Chế biến tinh cà phê ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế

Chế biến tinh cà phê ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế
Một góc trang trại cà phê đang mùa thu hoạch tại Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Một góc trang trại cà phê đang mùa thu hoạch tại Đắk Lắk.
Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Cụ thể, niên vụ cà phê 2017-2018, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê nhân đạt trên 191.169 tấn, chiếm tỷ trọng 10,65% so với cả nước và đạt kim ngạch xuất khẩu trên 365 triệu USD; trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan chỉ có 4.330 tấn, chiếm tỷ lệ 2,27% số lượng cà phê nhân xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26 triệu USD.

Mặc dù, số lượng cà phê hòa xuất khẩu không nhiều nhưng đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của tỉnh, với trên 7,36%.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 301 cơ sở chế biến cà phê; trong đó có 204 cơ sở chế biến cà phê bột, 2 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 95 cơ sở chế biến cà phê nhân với hai hình thức chế biến khô và chế biến ướt (chế biến khô tức là sau khi thu hái mang quả cà phê đi phơi hoặc sấy, khi đạt độ ẩm còn khoảng 12% là kết thúc phơi, sấy. Sau đó đưa vào máy bóc lớp vỏ cứng bên ngoài để lấy nhân cà phê phục vụ cho việc rang xay.

Còn phương pháp chế biến ướt, tức là cà phê sau khi thu hoạch phân loại trái chín, trái xanh. Trái chín đưa vào máy xát vỏ lấy phần nhân, nhân cà phê tiếp tục ủ lên men từ 12 - 36 tiếng,sau đó cà phê nhân mang đi rửa sạch lớp nhầy bên ngoài trước khi phơi, sấy để đạt độ ẩm 12%).

Số cơ sở chế biến cà phê bột tuy nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ nội địa. Tỉnh cũng đã thu hút được 20 dự án đầu tư chế biến cà phê, với tổng vốn đầu tư 3.469,6 tỷ đồng; trong đó, có 4 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 1.462,9 tỷ đồng gồm: 3 dự án chế biến cà phê nhân xuất khẩu (mỗi dự án có công suất từ 35.000 đến 50.000 tấn sản phẩm cà phê nhân/năm, chỉ có một dự án chế biến cà phê hòa tan 10.000 tấn sản phẩm/năm.

16 dự án còn lại là do các nhà đầu tư trong nước đầu tư. Các dự án đầu tư chế biến cà phê chủ yếu vẫn là chế biến cà phê nhân xuất khẩu.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam như Nestlé, Vinacafé Biên Hòa, NutiFood, Highland Coffee, Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe…

Mặt khác, tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài việc xây dựng các cơ sở chế biến sâu cà phê mới còn đầu tư cải tiến, thay đổi dây chuyền công nghệ tiên tiến có công suất lớn về rang xay, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… nhằm góp phần đến năm 2020 đưa tỷ lệ chế biến sâu cà phê đạt từ 10 - 15% và đến năm 2030 đat từ 25 - 30% trong tổng sản lượng của mỗi niên vụ cà phê trên địa bàn.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 204.808 ha cà phê; trong đó có 187.279 ha cà phê cho thu hoạch, với sản lượng đạt từ 459.000 tấn cà phê nhân trở lên.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm