Người tốt việc tốt:

Chàng trai dân tộc Tày Lã Văn Đặng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Chàng trai dân tộc Tày Lã Văn Đặng làm giàu trên mảnh đất quê hương
Anh Lã Văn Đặng chăm sóc rừng keo chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Anh Lã Văn Đặng chăm sóc rừng keo chuẩn bị cho thu hoạch.
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Năm 2000, anh Lã Văn Đặng vừa tròn 20 tuổi, là lao động chính trong gia đình, cũng như nhiều thanh niên khác trên địa bàn, anh phải đi làm thuê ở nhiều nơi kiếm sống nhưng vẫn khá khó khăn. Sau đó, được sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kiểm lâm về phát triển kinh tế lâm nghiệp, anh Lã Văn Đặng nhận thấy đây chính là lối mở cho phát triển kinh tế gia đình.

Lúc bấy giờ, ở bản Na Rau, khi nghe anh Đặng nói về thiết kế rừng trồng, gỗ nguyên liệu, giống keo nhập từ Australia…, người dân trong bản thấy rất lạ. Ngay chính người thân trong gia đình anh cũng nghi ngại về cách làm này bởi từ trước đến nay, ở đây người dân chỉ biết vào rừng chặt cây để lấy củi đem bán.

Nhờ quyết tâm cao, kiên trì cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ kiểm lâm, vụ đầu tiên, anh Đặng tự trồng được hơn 3 ha rừng. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", số tiền làm thuê, tiền thu được từ chăn nuôi, anh Đặng dồn hết vào rừng. Đến năm 2005, anh đã có trong tay khoảng 15 ha rừng, chủ yếu là cây keo lai…

Không bằng lòng với bản thân và để trang bị thêm kiến thức cơ bản về phát triển kinh tế, sau khi lập gia đình, anh Đặng thi vào Đại học Nông lâm Thái Nguyên theo hình thức học tại chức. Thi đỗ đại học, hằng ngày, anh chăm sóc diện tích rừng của gia đình, buổi tối anh chạy xe 40 km để về thành phố Thái Nguyên học tập. Các buổi tối trên giảng đường đại học đã giúp anh Đặng đủ tự tin để mở rộng mô hình sản xuất sang rừng - ao kết hợp. Những ngày đầu, anh Đặng tìm đến Hội Nông dân để được vay vốn ưu đãi, thuê máy xúc, máy ủi làm đường, đắp ao, quy hoạch lại vùng ruộng trũng thành hồ nuôi thủy sản. Đầu năm 2008, khi những khoảnh rừng đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, anh Đặng đã có thêm 2 ha mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như trắm, chép, rô phi đơn tính… Tận dụng khoảng đất trống trên bờ, anh xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi vịt. Hàng năm, ngoài khoản thu từ gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất bột giấy, ván dăm, anh Đặng còn xuất bán khoảng 6-8 tấn cá cùng hàng nghìn con vịt mỗi lứa… cho thu nhập trung bình đạt từ 600-700 triệu đồng/năm.

Anh Lã Văn Đặng kiểm tra chất lượng cá giống. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Anh Lã Văn Đặng kiểm tra chất lượng cá giống.
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Có vốn, vợ chồng anh Đặng trả được số nợ hàng trăm triệu đồng và tiếp tục đầu tư trồng mới, đồng thời nghiên cứu nâng cao thu nhập dưới tán rừng bằng việc trồng một số cây dược liệu, thử nghiệm nuôi thêm các loại cá đặc sản như cá nheo, cá lăng, cá điêu hồng...

Mô hình kinh tế của gia đình anh Đặng cũng tạo việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người. Ngoài ra, anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế hay kỹ thuật trồng rừng, nuôi cá... cho người dân trong bản.

Anh Lã Văn Đặng kiểm tra dịch bệnh cho đàn vịt. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Anh Lã Văn Đặng kiểm tra dịch bệnh cho đàn vịt.
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đánh giá về mô hình phát triển lâm nghiệp của anh Lã Văn Đặng, ông Ngô Thanh Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Cách làm của anh Đặng rất phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Từ một địa bàn khó khăn, diện tích rừng không lớn, đến nay, Phủ Lý lại là điểm sáng trong công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp, mô hình điểm về quản lý bảo vệ rừng bền vững. Hiện nay, bà con các dân tộc ở Phủ Lý đều nỗ lực chăm lo, bảo vệ và phát huy tốt giá trị của rừng trồng trên địa bàn.
Hoàng Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm