Cảnh báo sớm thiên tai với việc chủ động phòng chống

Cảnh báo sớm thiên tai với việc chủ động phòng chống
Hơn 1 tháng nay, hồ chứa nước A Lá, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong tình trạng khô kiệt. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
 Hơn 1 tháng nay, hồ chứa nước A Lá, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong tình trạng khô kiệt. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Ngay từ tháng 4/2019 - thời điểm bắt đầu xuất hiện các đợt nắng nóng, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu-Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự báo tình trạng khô hạn ở Trung - Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến tháng 8/2019. Nhờ đó, một số địa phương nơi đây đã chủ động đề ra các giải pháp phòng chống nên cũng giảm thiểu được đáng kể thiệt hại do khô hạn gây ra.

Nguyên nhân khô hạn là do tác động của El Nino. Bởi trong thời kỳ hoạt động của El Nino, lượng mưa thường thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi nền nhiệt độ thường khá cao. Do vậy, tình trạng khô hạn thường nghiêm trọng hơn những năm bình thường.

Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Công cụ chính để Viện đưa ra các bản tin nhận định xu thế khí hậu, trong đó có diễn biến khô hạn trước 3 - 6 tháng, là mô hình số trị trong dự báo khí hậu với hạn dự báo từ 1-6 tháng cho các vùng ở Việt Nam. Đây là Hệ thống dự báo khí hậu hạn mùa này được xây dựng dựa trên ba mô hình khí hậu khu vực, bao gồm: RSM, clWRF, RegCM với độ phân giải từ 20 - 25 km. Số liệu đầu vào được lấy từ mô hình khí hậu toàn cầu CFS của Hoa Kỳ.
 
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) có diện tích rộng hơn 1.200 ha đã cạn khô nước, hàng ngàn hộ dân sông chung quanh đầm thiếu nước sạch nghiêm trọng. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) có diện tích rộng hơn 1.200 ha đã cạn khô nước, hàng ngàn hộ dân sông chung quanh đầm thiếu nước sạch nghiêm trọng. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Kết quả dự báo nghiệp vụ hằng tháng được tổ hợp từ kết quả dự báo của 25 mô hình thành phần với hạn dự báo là 6 tháng. Kết quả cung cấp cho người sử dụng bao gồm các dự báo về chuẩn sai và xác suất xảy ra các pha của các biến khí hậu trung bình cũng như các biến cực trị.

Nhưng dù đã có cảnh báo từ khá sớm nhưng tác động của hạn hán năm nay khá nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho các địa phương khu vực miền Trung - Nam Trung Bộ. Theo số liệu quan trắc ở Trung Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 1 - 6/2019 thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 20 - 90%. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35 - 60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.
 
Tại Hà Tĩnh, nắng nóng đạt kỷ lục trên 43 độ C khiến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân khô cạn, cây cối héo mòn. Ảnh: TTXVN
Tại Hà Tĩnh, nắng nóng đạt kỷ lục trên 43 độ C khiến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân khô cạn, cây cối héo mòn. Ảnh: TTXVN

Nắng nóng gay gắt do tác động của El Nino cũng làm gia tăng tình hình khô hạn ở miền Trung. Từ tháng 4 - 7/2019 đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng; gay gắt và kéo dài nhất là đợt nắng nóng và kéo dài từ ngày 18 - 22/4, 3/6 - 1/7, 5/7. Đặc biệt, đợt nắng nóng từ ngày 3/6 - 1/7 là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua ở Trung Bộ.

Nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến cao hơn từ 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ cao nhất ngày một số điểm vượt mốc trong lịch sử, như: Con Cuông (Nghệ An) 43,3 độ C, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 41 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C (cao nhất trong lịch sử khí tượng), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 41,6 độ C. Cùng với nắng nóng, gió phơn Tây Nam hoạt động mạnh khiến độ ẩm không khí ở mức thấp, phổ biến từ 40 - 60%; lượng bốc hơi trong ba tháng (4, 5, 6/2019), cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%, tương đương năm 2015.
Hồ chứa nước La Ngà (Quảng Trị) chỉ còn đạt 19,1% dung tích thiết kế. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN
Hồ chứa nước La Ngà (Quảng Trị) chỉ còn đạt 19,1% dung tích thiết kế. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi sụt giảm nhanh cũng làm cho tình hình khô hạn trở nên nghiêm trọng hơn. Thực tế, các hồ chứa thủy lợi được tích tương đối cao ở cuối mùa mưa năm 2018, đến đầu vụ Hè Thu lượng nước trữ còn phổ biến từ 60 -70%. Tuy vậy, từ tháng 5/2019 đến cuối tháng 7/2019, lượng nước trữ các hồ chứa giảm rất nhanh, phổ biến mức giảm từ 20 - 30%, nhiều hồ nhỏ cạn nước. Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 15 - 20m. Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết. Hiện các hồ đang tích cực tham gia tạo nguồn nước cho hạ du. Nhưng ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các phương án theo dõi, cảnh báo, dự báo tác động của El Nino của ngành khí tượng thủy văn, các địa phương cũng cần chủ động các phương án ứng phó. Cảnh báo sớm thì cũng phải có hành động sớm thì công tác phòng chống thiên tai mới mang lại hiệu quả, giảm thiểu sự thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Khác với loại thiên tai khác, tác động của hạn hán thường tích lũy một cách từ từ trong một khoảng thời gian dài và có thể kéo dài trong nhiều tháng sau khi đợt hạn hán kết thúc. Người dân địa phương khó xác định điểm bắt đầu và kết thúc đợt hạn hán. Cũng do sự diễn biến tích lũy chậm, tác động của hạn hán thường khó nhận biết hơn và khi nhận biết được thì sự thiệt hại đã đáng kể. Chính vì vậy, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo khí tượng thủy văn. Khi có các dự báo về ảnh hưởng của El Nino đến hạn hán của cơ quan khí tượng thuỷ văn, các địa phương nằm trong khu vực dự báo khô hạn cần kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những đợt hạn hán nghiêm trọng được dự tính sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai, nên vấn đề quy hoạch và quản lý tổng thể các lưu vực sông, hệ thống các hồ chứa nước; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ ở những khu vực chịu tác động mạnh của hạn hán cũng cần được quan tâm thực hiện./.
Nhật Minh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm