Cần sự chung tay để tiến tới chấm dứt bệnh lao

Cần sự chung tay để tiến tới chấm dứt bệnh lao
Nhân Ngày thế giới phòng chống lao 24/3, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung về tình hình phòng, chống lao hiện nay và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu cơ bản Việt Nam đã đặt ra là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
 * Ông có thể cho biết những thách thức lớn nhất trong công tác phòng chống lao hiện nay là gì?

- Thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống lao hiện nay là chúng ta chưa phát hiện được hết những trường hợp mắc lao đúng và kịp thời. Sau khi chương trình Chống lao Quốc gia triển khai điều tra tỷ lệ mắc lao toàn quốc với kỹ thuật chẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao Genexpert, ước tính mỗi năm có thêm 174.000 người mắc lao. Tuy nhiên, hiện nay, hàng năm, chương trình mới chỉ phát hiện được 105.000 người. Dự kiến, có khoảng 20.000 người được phát hiện trong khu vực tư nhân hoặc những cơ sở y tế đa khoa nhưng chưa được đăng ký điều trị theo Chương trình hoặc chưa được báo cáo. Như vậy, còn khoảng 50.000 người trong cộng đồng chưa được phát hiện kịp thời. Vì không phát hiện kịp thời, phát hiện còn thiếu, còn nhiều nguồn lây trong cộng đồng dẫn đến tình trạng bênh lao đã tồn tại hơn 140 năm. Vì vậy, nếu giải quyết được thách thức lớn nhất là phát hiện kịp thời tất cả các trường hợp mắc lao, điều trị khỏi, nguồn lây sẽ dần dần bớt đi, bệnh lao sẽ bị tiêu diệt đúng như mục tiêu đã đề ra là: cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

* Theo ông, cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030?

- Nhiệm vụ trọng tâm đi vào 2 mục chính về mặt bệnh học. Thứ nhất là làm thế nào phát hiện được nhiều, sớm nhất tất cả các thể lao để điều trị  khỏi, làm hết nguồn lây. Thứ hai là phải hành động sớm hơn; tức là, chữa sớm cho những trường hợp lao tiềm ẩn (những trường hợp nhiễm lao nhưng chưa tiến triển thành bệnh lao), nhất là với những người có nguy cơ trở thành bệnh lao.

Chương trình Chống lao Quốc gia đã đề ra chiến lược căn cơ, chuẩn bị trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030”. Chương trình gồm: 1 cam kết, 2 đột phá, 3 vận động. Cụ thể, 1 cam kết là cam kết chấm dứt bệnh lao từ Chính phủ, các hệ thống chính trị cho đến các cấp chính quyền, Bộ Y tế và của nhân dân.

Hai đột phá là: đột phá về công nghệ và đột phá về tiếp cận. Đột phá về công nghệ là sự thay đổi những kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán mới có độ nhạy cao, như: kỹ thuật xét nghiệm Genexpert thay thế hoàn toàn cho soi kính hiển vi; đồng thời có thêm những thuốc mới, phác đồ điều trị mới...

Đột phá về tiếp cận là làm sao để dịch vụ được đem đến cho mọi người. Chương trình Chống lao Quốc gia hiện đang áp dụng chiến lược 2X (X- quang để sàng lọc và Xpert để khẳng định bị lao). Chương trình có 29 xe Xquang di động (27 xe được quốc tế hỗ trợ; 2 xe của Bệnh viện phổi Trung ương) chạy khắp cả nước để chụp X-quang, sàng lọc nhanh nhất những trường hợp mắc lao với độ nhậy hơn 90%. Chương trình cũng có hơn 200 máy xét nghiệm Xpert trải dài trên khắp cả nước. Chiến lược 2X sẽ giúp phát hiện chủ động những nhóm người có nguy cơ mắc lao dù chưa có triệu chứng; chẩn đoán được nhiều nhất số người bị lao ở cộng đồng.

Ba vận động là vận động cộng đồng, tổ chức, quốc tế. Theo đó, cần vận động cộng đồng, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương quan tâm đến việc phòng chống bệnh lao như COVID – 19. Nếu toàn thể hệ thống chính trị, các đoàn thể cùng vào cuộc, nhất định sẽ thành công. Ngoài ra, việc vận động quốc tế cũng rất quan trọng. Hiện, Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp nhận 30% kinh phí để vận hành từ Chính phủ còn 70% là từ quốc tế hỗ trợ; cần tiếp tục vận động được nguồn lực quốc tế mạnh nhất có thể, từ đó vận hành một chương trình chống lao bền vững về nguồn nhân lực, cơ chế, tiếp cận và hệ thống tổ chức.

* Nhiều người hiện nay quan tâm đến việc nếu bị bệnh lao, liệu họ có được Chương trình Chống lao Quốc gia hỗ trợ gì, thưa ông?

- Tất cả người dân nếu nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng mắc lao hãy để bác sĩ chẩn đoán cho mình. Nếu người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế , sẽ được hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế từ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB). Nếu người bệnh cần nằm viện, Quỹ cũng đồng chi trả với Bảo hiểm y tế trong suốt thời gian người bệnh điều trị. Hiện, Quỹ PASTB đã hỗ trợ cho gần 2.000 người trong vòng 2 năm qua (Quỹ được triển khai từ tháng 5/2018). Dự đoán trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 2.500 người được hưởng lợi từ quỹ này. Thời gian tới, cần phổ biến, truyền thông thông tin đến cộng đồng một cách tiện lợi và tốt nhất để người dân trong mỗi gia đình hiểu được lao là cần điều trị, cần được phát hiện.

 * Theo ông truyền thông rất quan trọng. Vậy ông có thể nói rõ hơn vai trò của truyền thông trong phòng chống bệnh lao?

- Truyền thông ở đây có 3 ý. Thứ nhất là làm thế nào để các cấp chính quyền hiểu, để vận động được chính sách cần thiết. Điển hình như với dịch COVID–19, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập. Tới đây, Luật sẽ được sửa đổi, trong đó sẽ có một chương chuyên về bệnh lao, đây là điểm quan trọng.

Ngoài ra, các cấp chính quyền, nhất là ở địa phương cần coi việc chống lao cũng như chống COVID-19. Vì số người tử vong do lao mỗi năm rất lớn (khoảng 13.000 người). Vấn đề truyền thông cần phải làm nhiều hơn, thường xuyên hơn chứ không chỉ mỗi dịp Ngày phòng chống lao.

Truyền thông cần giúp cộng đồng hiểu bệnh lao không đáng sợ như tưởng tượng. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi được, đó không phải bệnh di truyền nhưng là một bệnh lây truyền. Nếu không phát hiện kịp thời, người thân sẽ là những người bị mắc đầu tiên. Truyền thông cũng cần giúp cộng đồng biết các thông tin: cách để phát hiện bệnh sớm; có những hiểu biết, thực hành và thái độ đúng mực với bệnh và bệnh nhân lao.

Chương trình Chống lao Quốc gia đặt mục tiêu 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình biết về bệnh lao và thực hành bảo vệ gia đình mình không bị lao. Chương trình nhấn mạnh vai trò của phụ nữ vì người phụ nữ là người chăm sóc tốt nhất, chi tiết nhất cho gia đình. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên cũng là lực lượng xung kích. Do đó, chương trình cần 10 triệu thanh niên hành động để 100% học sinh cấp Tiểu học có hiểu biết và thực hành về bệnh lao.

Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao cũng đã khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chương trình cố định với thời lượng khoảng 15-30 phút để đồng bộ truyền tải cho học sinh.

Bên cạnh đó, truyền thông cũng cần góp sức huy động xã hội. Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 nên việc vận động nguồn lực cho quỹ PASTB rất khó. Hiện, xã hội chưa có sự quan tâm đáng kể cho phòng, chống bệnh lao. Hy vọng các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ cùng Chương trình Chống lao Quốc gia chung tay thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

* Trân trọng cảm ơn ông!
PV (thực hiện)
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm