Cam sành Hàm Yên tiếp cận nhiều thị trường lớn

Cam sành Hàm Yên tiếp cận nhiều thị trường lớn
Tin liên quan:
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam sành
Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 7.000 ha cam sành, được
rồng tập trung ở các xã: Phù Lưu, Yên Thuận, Yên Phú,   Bạch Xa, Minh Khương, huyện Hàm Yên.... trong đó, trên   4.000 ha cam cho thu hoạch. Theo báo cáo kết quả sản xuất cam sành, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2017 mới đây, của UBND huyện Hàm Yên, năng suất cam sành Hàm Yên bình quân đạt gần 26,8 tấn/ha.
 
Một vườn cam trên núi đá ở thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên). Ảnh tuyenquang.gov.vn
Một vườn cam trên núi đá ở thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên).
Ảnh tuyenquang.gov.vn

Vụ cam năm 2016 (thu hoạch từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017), tổng sản lượng cam sành Hàm Yên đạt trên 107 nghìn tấn, tăng gần gấp đôi năm 2015. Đầu vụ (từ tháng 11 đến tháng 12) cam được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường miền Trung và miền Nam, sản lượng khoảng 45 nghìn tấn; giữa vụ tháng 1 đến tháng 2 năm 2017, tiêu thụ chủ yếu thị trường miền Bắc, các tỉnh miền Trung và thị trường miền Nam; cuối vụ tháng 3 đến tháng 4 năm 2017, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc.

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, hiện gia đình chị đang trồng 1.000 cây cam, mỗi năm thu hoạch khoảng 150 tấn, thu về hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Chị Uyên cho biết, so với nhiều loại cây trồng khác, cây cam là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, từ khi cam sành Hàm Yên xây dựng được thương hiệu, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bầu chọn là 1 trong 50 trái cây nổi tiếng, giá trị nhất Việt Nam (năm 2012); Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn (cấp Chứng thư cho các thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng) vinh danh vào top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam (năm 2013), cam sành Hàm Yên được giá với giá bán bình quân đạt 7 nghìn đồng/kg tại vườn.

Để nâng cao hiệu quả cho người người trồng cam, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với huyện Hàm Yên hướng dẫn các hộ dân trồng cam sành áp dụng quy trình sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP (là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc…) nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đến nay, đã có 130 ha cam sành của 55 hộ dân được cấp 9 giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Một chợ đầu mối cam cũng được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Hiện chợ đã được bàn giao đưa vào sử dụng, là đầu mối thu mua, trung chuyển sản phẩm cam sành của nhân dân các xã vùng cam của huyện Hàm Yên…

Ông Vũ Đình Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Để tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cam sành Hàm Yên” cho sản phẩm cam sành của huyện Hàm Yên, nếu thuận lợi thì vụ cam tới có được chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị sản phẩm cam, tiếp cận được nhiều thị trường lớn, có tiềm năng.

Cùng với đó, huyện huyện Hàm Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thương hiệu cam sành Hàm Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, gặp gỡ tiếp xúc với các đại lý tiêu thụ tại các chợ đầu mối các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia sản xuất, bảo quản, tiêu thụ cam, sản xuất hộp, bao bì đựng sản phẩm cam sành.

Bên cạnh đó, thực hiện thay thế những vườn cam già cỗi, kém chất lượng bằng những loại giống mới chất lượng hơn theo hướng đa dạng hóa cơ cấu giống thực hiện thu hoạch rải vụ, kéo dài vụ thu hoạch cam (8 đến 9 tháng/vụ); tập trung đầu tư thâm canh, đưa ứng dụng khoa học vào trồng, chăm sóc cam…

Hiệu quả từ trồng cam sành Hàm Yên ở Tuyên Quang đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa sản xuất hàng hóa nông nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, để cây cam sành Hàm Yên phát triển thật ổn định, bền vững, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cùng với người trồng cam cần kiểm soát chất lượng, tránh phát triển “nóng”, theo phong trào, mở rộng diện tích ồ ạt không theo quy hoạch...
Vũ Quang Đán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm