Các tỉnh phía Nam phòng chống sâu keo mùa thu

Các tỉnh phía Nam phòng chống sâu keo mùa thu
Tập trung các giải pháp xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Dư Văn Toán - TTXVN
Tập trung các giải pháp xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Dư Văn Toán - TTXVN
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt, nhằm tăng cường quản lý dịch tễ, không để sâu keo gây hại trên cây ngô, trước mắt, các tỉnh, thành phía Nam tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu bao gồm áp dụng các biện pháp sinh học, kiểm tra đồng ruộng để ngắt ổ trứng, bẫy diệt sâu trưởng thành kết hợp phun trừ sâu non tuổi nhỏ… Mặt khác, theo dõi, nắm sát các diện tích nhiễm sâu keo mùa thu và có biện pháp xử lý thích hợp. Khi mật số sâu cao, có thể tạm thời sử dụng các hoạt chất phù hợp phòng trừ đồng thời áp dụng quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu của Cục Bảo vệ thực vật. Các tỉnh, thành phía Nam khuyến cáo doanh nghiệp đăng ký thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu keo mùa thu, ưu tiên thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hợp tác công tư trong việc tổ chức tập huấn, thông tin, tuyên truyền về phòng trừ sâu keo; thông tin tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nắm rõ nguy cơ sâu keo cũng như hướng dẫn phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” nâng cao hiệu quả quản lý và phòng trị sâu keo. Đặc biệt là các địa phương cần khẩn trương điều tra, cập nhật tình hình xuất hiện, phân bố, mật độ sâu keo mùa thu báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật nhằm chủ động đối phó. Về lâu dài, Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo các tỉnh, thành phía Nam nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phổ ký chủ, quy luật phát sinh gây hại, điều tra thiên địch của sâu, khả năng và biện pháp phòng trị; chủ động bố trí các loại bẫy để phục vụ công tác dự phòng và phòng trừ. Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các địa phương áp dụng quản lý sâu keo mùa thu bằng biện pháp IPM trong đó biện pháp sinh học làm nòng cốt đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền để nông dân nhận diện sâu và có biện pháp phòng trừ hiệu quả, khả thi, an toàn cho môi trường… Theo ghi nhận của Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng ngô tại các tỉnh, thành phía Nam vào khoảng 30.650 ha. Diện tích nhiễm sâu keo mùa thu ngoài đồng khoảng 500 ha với mật số phổ biến từ 2 - 4 con/ m2 trong đó có 8 ha bị nhiễm trên 8 con/ m2. Sâu xuất hiện gây hại tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Theo Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh, tỉnh có trên 380 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu. Bên cạnh việc triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật sử dụng bẫy pheromone trong công tác dự tính, dự báo đồng thời làm đầu mối tổ chức áp dụng biện pháp sinh học duy trì hệ sinh thái bền vững; nhân thả các tác nhân sinh học như: ong ký sinh, bọ đuôi kim,..nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác phòng trừ sâu keo mùa thu. Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Hiến đề xuất, trong vụ ngô mùa sắp tới, để phòng chống sâu keo hiệu quả, các ngành chức năng cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống bắp chuyển gen kháng sâu  bộ cánh vẩy như: DK 6918S, tích cực phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ phòng trừ theo danh mục của Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn,...
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm