Các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển cây mía bền vững

Các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển cây mía bền vững
Người dân xã Vinh Quang thu hoạch vụ mía 2017 - 2018. Ảnh: tuyenquang.gov.vn
Người dân xã Vinh Quang thu hoạch vụ mía 2017 - 2018.
Ảnh: tuyenquang.gov.vn

Theo thống kê, diện tích mía niên vụ 2017 – 2018 của cả nước đạt khoảng 274.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 65 tấn/ha, trong đó diện tích mía đường nguyên liệu đạt khoảng 255.000 ha, năng suất đạt trên 63 tấn/ha, sản lượng đạt trên 15 triệu tấn. Diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2017 – 2018 của các tỉnh miền núi phía Bắc gần 70.400ha, năng suất bình quân đạt trên 59 tấn/ha.

So sánh với diện tích mía nguyên liệu cả nước năm 2017, diện tích mía nguyên liệu các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm trên 28%, sản lượng chiếm trên 23%; vùng sản xuất mía nguyên liệu của các tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích gần bằng 1/3 diện tích mía cả nước nhưng là vùng có năng suất mía thấp nhất.

Nguyên nhân khiến diện tích, năng suất và hiệu quả trong sản xuất mía nguyên liệu khu vực miền núi phía Bắc không tăng là do quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ gây hạn chế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Phần lớn diện tích sản xuất thuộc vùng sâu, vùng cao, đất sản xuất mía có độ dốc lớn gây khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trong khi giao thông đi lại khó khăn khiến giá thành vận chuyển, chi phí sản xuất tăng. Ngoài ra, ở nhiều khu vực, nhất là Trung du miền núi phía Bắc các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất còn chưa được áp dụng đại trà nên năng suất mía thấp; bộ giống mía cho vùng còn ít nên chưa thể bố trí trồng rải vụ...

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận về Đề dẫn phát triển sản xuất mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Tình hình sản xuất mía niên vụ 2017 – 2018 và kế hoạch niên vụ 2018 – 2019; Giới thiệu một số giống mía triển vọng và công nghệ nhân giống mía nhằm nâng cao chất lượng hom giống; Giải pháp phát triển sản xuất mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới...

Bà Phạm thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho rằng, để nâng cao năng suất, giá trị từ cây mía cần đầu tư nhân nhanh mía giống mới vào sản xuất đối với các giống sau khi khảo nghiệm phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm mía, đường. Đồng thời, cần đầu tư cải tạo hợp lý hóa dây chuyền sản xuất mía tăng hiệu suất tổng thu hồi và nâng cao chất lượng sản phẩm…

Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, để phát triển cây mía bền vững, thời gian tới tỉnh sẽ chuyển từ sản xuất theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ nguyên liệu của nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với từng địa bàn để giảm công lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất.

Còn theo ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì cho rằng, để đảm bảo diện tích vùng nguyên liệu mía người dân cần kết hợp chặt chẽ với công ty, thực hiện đúng cam kết đã ký với công ty trong việc trồng và mở rộng diện tích mía.

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tập trung hỗ trợ bà con nhân dân tích tụ đất đai để có được diện tích mía tập trung, thay đổi giống mía có năng suất và chất lượng cao. Hiện công ty cũng đang áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để giảm bớt chi phí cho người nông dân...

Các đại biểu đã đi đến thống nhất giải pháp nhằm phát triển cây mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Xác định vùng có lợi thế, phù hợp với phát triển cây mía, không phát triển vùng nguyên liệu tràn lan; nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác.

Các tỉnh cần chú ý đến việc rải vụ, áp dụng và khai thác hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới để mở rộng diện tích mía được tưới nước nhằm tăng năng suất. Bên cạnh đó, tăng cường giới hóa sản xuất, tăng cường liên kết chặt chẽ với nhà máy sản suất mía đường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực sản xuất cho người dân thông qua các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất tốt…
Nguyễn Văn Tý

Có thể bạn quan tâm