Cả nước có 4.144 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cả nước có 4.144 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Đáng chú ý, 3 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai (133/133 xã); Nam Định (193/193 xã) và Đà Nẵng (11/11 xã); bình quân cả nước đạt 14,61 tiêu chí/xã, tăng 0,04 tiêu chí so với cuối năm 2018 và còn 2 xã dưới 5 tiêu chí thuộc tỉnh Kon Tum, giảm 8 xã so với cuối năm 2018.

Đến nay, cả nước có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 2/2019, cả nước đã có 2.579 thôn, bản ấp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 709 thôn, bản nông thôn mới thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...

Đường bê tông thôn Tân Quang, xã Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Đường bê tông thôn Tân Quang, xã Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang).
Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá, với tiến độ như hiện nay, thì hết Quý II/2019 cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 5 năm của Chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ giao (có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới). Đồng thời, có một số địa phương công nhận số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí do tỉnh ban hành. Điển hình, tỉnh Đồng Nai đã có 26/133 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đánh giá về kết quả cụ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Tiến cho rằng, kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn; trong đó, đã có 1.096 chuỗi nông sản an toàn, tăng 352 chuỗi so với năm 2017.

Bên cạnh đó, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Đến nay, cả nước có khoảng 39 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 13.636 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực để xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Đến nay, đã có khoảng 42 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn; trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 16 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.

Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 81,37%, Đông Nam Bộ 69,33% thì miền núi phía Bắc đạt 22,72%, Tây Nguyên 33,72%, Đồng bằng sông Cửu Long 36,91%, Duyên hải Nam Trung Bộ 42,79%. Trong khi tỉnh Đồng Nai, Nam Định và thành phố Đà Nẵng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc... để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp như Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Kon Tum….
Thành Trung

Có thể bạn quan tâm