Bộ Y tế trực tuyến tại gần 700 điểm cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn tiêm chủng

Bộ Y tế trực tuyến tại gần 700 điểm cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn tiêm chủng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.
Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Hội nghị kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố với gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã nhằm cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, năm 2019, Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Ngành Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động, các chiến dịch tiêm vắc xin tại những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị, tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị tại bệnh viện; tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác chăm sóc và điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến; chuẩn hóa các phương pháp kỹ thuật cũng như hệ thống giám sát báo cáo và phòng chống dịch bệnh từ Trung ương đến cơ sở.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, dù hầu hết các bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát nhưng số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thường xuyên thì hiện nay đã được khống chế nhờ duy trì tốt tỷ lệ tiêm chủng. Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella... Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta. Các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể ghi nhận số mắc gia tăng do các nguyên nhân khách quan: biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động, giao lưu quốc tế và trong nước rộng rãi.
Các chuyên gia y tế dự phòng và tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các điểm cầu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Các chuyên gia y tế dự phòng và tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các điểm cầu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân… Ngoài ra, cũng còn các nguyên nhân chủ quan như: khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho ngành Y tế. Một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là đối với bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và cần thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại điện lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương… hướng dẫn kỹ thuật về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; hướng dẫn cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho trẻ em và phác đồ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho người lớn; Hướng dẫn thực hiện tiêm chủng an toàn và hướng dẫn xử lý, cấp cứu các trường hợp tai biến sau tiêm chủng.
Bích Thủy

Có thể bạn quan tâm