Bình Thuận với chính sách đầu tư ứng trước “gỡ khó” cho vùng cao

Bình Thuận với chính sách đầu tư ứng trước “gỡ khó” cho vùng cao
Chính sách này được thực hiện từ năm 2010 tại 11 xã thuần và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc.

Xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam hiện có hơn 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách đầu tư ứng trước để trồng hơn 900 ha ngô lai. Nhờ chính sách này, nhiều hộ dân đã thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung, quy mô hơn. Diện mạo kinh tế của xã vùng cao Hàm Cần có nhiều đổi thay, số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 500 hộ (năm 2010) xuống gần 200 hộ (năm 2017).

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có điều kiện phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có điều kiện phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Gia đình ông Mang Văn Lợi, thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đang tất bật thu hoạch ngô lai. Vụ Hè Thu năm nay, hộ ông Lợi có 1 ha ngô. Trước đây, sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư phân, thuốc, mua cây giống… Từ khi có chính sách đầu tư ứng trước, bài toán kinh phí ban đầu đã được giải quyết, sản xuất đổi thay tích cực.

Ông Lợi cho biết đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng ngô. Thụ hưởng chính sách này, hộ ông được hỗ trợ ứng trước giống, phân bón, tiền làm đất cũng như  hướng dẫn cách trồng trọt, chăm sóc đúng cách thay vì trước đây phải mua chịu tại các đại lý, cửa hàng phân bón. Hơn hết, ngô thu hoạch có đầu ra ổn định, không bị ép giá. Trừ các khoản chi phí vật tư phải trả nợ ứng trước, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 15- 20 triệu đồng. Số vốn này ông dùng để tiếp tục đầu tư sản xuất lúa và chăn nuôi.

Theo Trung tâm dịch vụ miền núi Bình Thuận, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cùng chi phí làm đất và một số mặt hàng công nghệ phục vụ đời sống trong thời điểm mùa vụ cho hàng nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí bình quân mỗi năm hơn 13 tỷ đồng. Có nguồn đầu tư ban đầu ổn định, không lãi suất, bà con có đủ giống, đủ phân bón nên yên tâm tập trung sản xuất.

Riêng năm 2018, tỉnh đã cung ứng đầy đủ, kịp thời nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống cho khoảng 1.300 hộ với hơn 2.300 ha diện tích sản xuất với tổng giá trị giá trên 12 tỷ đồng; trong đó, cây ngô lai chiếm diện tích hơn 2.000 ha với tổng số tiền ứng trước trên 11 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chi - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi chia sẻ, để chính sách đi vào cuộc sống, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, xã và các cửa hàng, đại lý dịch vụ miền núi tổ chức phổ biến chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, các hộ tự đăng ký nhu cầu, diện tích nhận đầu tư ứng trước. Sau khi kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn, diện tích đất và định mức, Trung tâm phối hợp với xã tổ chức ký hợp đồng với từng hộ theo quy định. Để giúp bà con nắm rõ quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc đạt hiệu quả, Trung tâm phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, kết hợp khi giao nhận vật tư; hướng dẫn quy trình sản xuất theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Cùng đó, Trung tâm còn tìm kiếm thị trường và ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp để đảm bảo mức giá tốt nhất cho đồng bào. Giá thu mua thường bằng hoặc cao hơn 200 đồng/kg so với giá thị trường. Năm 2018, tỉnh đã thu mua 7.500 tấn ngô lai thương phẩm trị giá 24 tỷ đồng và 50 tấn mủ cao su tương đương 500 triệu đồng…

Theo ông Chi, từ nhiều năm nay, chính sách đầu tư ứng trước luôn được triển khai theo đúng với nguyên tắc; bảo đảm giá đầu tư ứng trước luôn thấp hơn hoặc bằng với giá thị trường và giá thu mua sản phẩm phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Chính sách này đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, việc bao tiêu sản phẩm giúp các hộ sản xuất ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá, từ đó thu nhập cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ miền núi sẽ triển khai sớm các thủ tục đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hóa cũng như tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa xuống các cửa hàng, đại lý phục vụ sản xuất. Trung tâm còn phối hợp với các xã, ngành liên quan hướng dẫn bà con gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật và thời vụ; tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác mới; phối hợp với ngành chức năng, các địa phương kịp thời phát hiện tình hình cho vay nặng lãi, nhất là vay giống cây trồng, vật tư với lãi suất cao ở địa bàn đồng bào được hưởng thụ chính sách…
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm