Bình Thuận mở rộng diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Bình Thuận mở rộng diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Thanh Long là một cây trồng quan trọng ở Bình Thuận. Ảnh : TTXVN
             Thanh Long là một cây trồng quan trọng ở Bình Thuận. Ảnh : TTXVN
Từ năm 2009 đến nay, tại Bình Thuận, chương trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, gọi tắt VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay. Mặc dù quy trình sản xuất chặt chẽ với nhiều quy định về vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng từ thực tế cho thấy, VietGAP, GlobalGAP đã giúp người trồng thanh long ở Bình Thuận tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và nhất là đã mở ra hướng đi bền vững cho trái thanh long vào thời điểm được mùa-rớt giá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bình Thuận hiện có gần 30.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP liên tục tăng được xem là tín hiệu đáng mừng, tạo ra môi trường thuận lợi để đáp ứng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, phục vụ yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trái thanh long. Tính đến tháng 10/2019, toàn tỉnh có hơn 10.200 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (tăng 200 ha so với năm 2018 và 500 ha so với năm 2017) và hơn 260 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 7 cơ sở đóng gói thanh long và 30 hợp tác xã thanh long gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… là những địa phương có diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều nhất tỉnh. Ngoài ra, Bình Thuận hiện có gần 500 ha thanh long trồng giàn ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa trong sản xuất và sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long. Để mở rộng diện tích thanh long VietGAP, GlobalGAP, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Cùng với đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long thu mua thanh long VietGAP cho nông dân; trong đó, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm thanh long sản xuất theo VietGAP được tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm sản xuất thanh long để xây dựng chuỗi giá trị; hình thành mối liên kết giữa tổ chức sản xuất với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu...
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm