Bình Thuận đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Thuận đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 22/11/2019, tại Bình Thuận tổ chức Tọa đàm "Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giảm nghèo bền vững". Ảnh : Nguyễn Văn Thanh - TTXVN
Ngày 22/11/2019, tại Bình Thuận tổ chức Tọa đàm "Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giảm nghèo bền vững". Ảnh : Nguyễn Văn Thanh - TTXVN
Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp Giai đoạn 2014-2019, tỉnh Bình Thuận ưu tiên bố trí vốn đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 255 công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số. Trong đó có hàng trăm công trình giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất và nhất là các công trình cần đầu tư tại thôn, bản. Hệ thống thủy lợi được đầu tư phát huy hiệu quả tăng năng lực tưới tiêu giúp đồng bào mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.  Theo ông Võ Văn Hòa - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, với việc lồng ghép các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số với Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng được đầu tư, nâng cấp từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số theo hướng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Điều đó không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh mà còn tăng cường khối đại đoàn kết, niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên. Đến nay, 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã; các cầu qua sông, suối lớn được cứng hóa bằng bê tông; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản và giao lưu đi lại giữa các vùng. Bên cạnh đó, hệ thống điện quốc gia được phủ khắp vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, 98% hộ sử dụng điện… Bên cạnh đó, mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố và hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy, trang thiết bị đến cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2019, các xã vùng dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, các trạm y tế đều có bác sỹ điều trị; tỷ lệ trẻ em tiêm phòng 8 bệnh truyền nhiễm hằng năm đạt trên 95%... Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc mầm non đạt 57%, bậc tiểu học đạt 99,9%...Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số Để triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh đã giải quyết và cấp 2.020 ha đất sản xuất cho hơn 1.800 hộ. Lũy kế đến tháng 10/2019, toàn tỉnh đã cấp trên 15.200 ha đất cho hơn 14.200 hộ dân, cơ bản đã giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết diện tích đất đã cấp đều được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo. Tính đến tháng 10/2019, tổng diện tích gieo trồng các loại cây chủ yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số có gần 50.000 ha. Các loại cây có giá trị kinh tế như: điều, nho, bắp lai… được đồng bào chú trọng mở rộng diện tích. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 21 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 2.300 hộ (chiếm 10% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Các chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai kịp thời và phát huy hiệu quả, “gỡ khó” cho bà con đầu tư sản xuất. Trong 5 năm (2014- 2019), hơn 20 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền hơn 430 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Trên cơ sở đặc thù từng vùng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, người dân đã chuyển mạnh tập quán sản xuất từ lạc hậu, độc canh sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng. Một số nơi đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi như: sản xuất lúa chất lượng cao, thâm canh cây điều ghép ở huyện Tánh Linh, thâm canh cây bưởi da xanh ở huyện Đức Linh… Ông Nguyễn Thanh Dũng (dân tộc Raglai), thôn 4, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh là một trong gương nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Nhiều năm nay, 3 ha lúa của ông Dũng sản xuất liên tục 3 vụ/năm và cho năng suất cao. Với 5 ha rẫy trồng điều xen ghép mỳ (sắn) và cây ăn quả có kinh tế cao như: mít, chuối…, mỗi năm gia đình ông thu lợi gần 150 triệu đồng. Ông Dũng cho biết, trước đây gia đình luôn chịu cảnh thiếu trước hụt sau vì mấy sào ruộng chỉ làm được một vụ. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước và tham gia các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật làm lúa, chuyển giao kỹ thuật canh tác dùng phân hữu cơ vi sinh và áp dụng giống lúa mới… gia đình đã mạnh dạn cải tạo ruộng đất và phát triển quy mô sản xuất. Ngoài ra, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển được thực hiện tại 11 xã thuần nông và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc đã kịp thời cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Từ năm 2014-2019, Trung tâm đã cung ứng hơn 51 nghìn tấn hàng hóa gồm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và hỗ trợ 19 tỷ đồng trợ cước vận chuyển giống, vật tư sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết: Chính sách tổ chức đầu tư ứng trước đã giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất, với việc thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp đã giúp người dân yên tâm sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, với quan điểm không để vùng dân tộc thiểu số bị bỏ lại quá xa so với vùng liền kề, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế tại chỗ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung phát triển kết nối giao thông nội vùng, giao thông đối ngoại liên vùng, hệ thống thủy lợi. Đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từng vùng, các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi lợi thế gắn với ngành nghề, dịch vụ, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm