Biểu dương người có uy tín, điển hình phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên

Biểu dương người có uy tín, điển hình phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên
Các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên giao lưu về lịch sử, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên giao lưu về lịch sử, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
 
Các nhân vật chính của chương trình “Người truyền lửa” là 9 già làng, người có uy tín đại diện cho cộng đồng dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Họ đã chia sẻ cho khán giả về lịch sử mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, những ngày gian khó bà con giúp đỡ nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao dân trí để phát triển một Tây Nguyên với diện mạo khang trang như ngày hôm nay. Đến với Gala “Người truyên lửa”, Già làng Đinh Yem, làng Đắk Giang 2, xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, kể về những câu chuyện thú vị mà ông được bà con trong vùng coi là người cha đỡ đầu. Không chỉ tận tình trong chỉ bảo cách làm ăn, cách cư xử trong gia đình hoà thuận, Già làng Đinh Yem còn là người rộng lòng chia sẻ, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình Gala. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình Gala. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Trong hơn 15 năm được dân làng tín nhiệm chọn làm già làng, già Đinh Yem đã cho 16 cặp vợ chồng trong làng khi kết hôn mỗi hộ từ 300-400m đất ở từ phần đất của gia đình. Không chỉ thế, ông còn là người đi đầu trong phong trào tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Vừa nói, vừa làm những điều hay, lẽ phải nên những công việc liên quan đến vận động nhân dân của già Đinh Yem luôn nhận được sự hưởng ứng cao trong cộng đồng dân cư. Với uy tín và những đóng góp của mình, Già làng Đinh Yem được xem là “Già làng của các già làng” tại địa phương. Xã Đông là địa phương đi đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông dựng nông thôn mới tại huyện Kbang. Ở đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những Già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Già làng Đinh Yem là điển hình trong những gương điển hình đó. Là một điển hình làm kinh tế giỏi, ông R’Mah Mrao, một trong những tỷ phú người dân tộc thiểu số đầu tiên tại làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Với người dân làng Poong, Mrao không chỉ là tấm gương để bà con noi theo mà còn là vị ân nhân của cả làng. Ngày xưa, dân làng không có tiền nên tranh nhau bán đất, ông Mrao đã đi vận động bà con không bán đất, để lại trồng trọt, làm ăn. Rồi ông cho bà con vay tiền, vay gạo để trồng cà phê, trồng lúa, nuôi heo nên cuộc sống bà con dần ổn định. Trong tổng số trên 200 hộ dân của làng Poong, có đến 2/3 số hộ khá và giàu. Riêng gia đình Mrao, thu nhập từ các nguồn trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ cũng đạt trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Mrao còn được tín nhiệm bầu làm Đội phó Đội sản xuất của Công ty 75, Binh đoàn 15. Năm 2019 là dấu mốc 10 năm kể từ ngày hơn 240 già làng tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh phụ cận cùng nhau ký Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quyết tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đối với cộng đồng dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, Già làng, người uy tín trong làng được xem là ngọn lửa, là ánh sang của buôn, làng. Họ chính là “Người truyền lửa”, là nhân tố quan trọng trong việc giữ ổn định an ninh chính trị địa phương, hướng bà con tập trung sản xuất, phát triển kinh tế cũng như truyền dạy cho thế hệ con cháu biết giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm