Biến đổi khí hậu: Tăng cường năng lực thích ứng từ Chương trình tăng trưởng xanh (Bài 1)

Biến đổi khí hậu: Tăng cường năng lực thích ứng từ Chương trình tăng trưởng xanh (Bài 1)
Bài 1: Tăng cường năng lực thích ứng từ Chương trình tăng trưởng xanh 

Theo định nghĩa của tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc: “Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội”.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Để thực hiện nhiệm vụ này liên quan đến các giải pháp chủ yếu, nhất là đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng tăng trưởng xanh.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI.
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hướng tới phát triển bền vững

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường-Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận xét " Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững " .

Có 3 mục tiêu chính cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững và áp dụng phổ biến sản xuất sạch; xanh hóa lối sống và tiêu dùng, tạo dựng đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, theo lộ trình đến năm 2020,GDP bình quân đầu người ít nhất gấp đôi so với mức 2010, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5 - 3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức 2010. Hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42-45% trong tổng GDP, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt suy thoái môi trường, từng bước tạo điều kiện để chuyển sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh. Giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 2-3%; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 50%. Tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chế biến sâu, môi trường được phục hồi và cải thiện đạt các tiêu chuẩn cơ bản về sạch và xanh. Đến năm 2050: Năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến…

Vai trò của doanh nghiệp

Các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thực hiện xanh hóa trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Do vậy, với các doanh nghiệp xanh hóa sản xuất phải thông qua sắp xếp lại cơ cấu, nhất là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Cũng cần thúc đẩy hình thành, phát triển đội ngũ doanh nhân “xanh”, các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn…hướng tới phát triển bền vững.

Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% bình quân mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập ở mức độ cao với kinh tế thế giới…Tuy vậy nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nặng. Các ngành kinh tế thân thiện với môi trường chưa được phát triển. Phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước do công nghệ chậm được đổi mới với mức độ tiêu tốn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên cao…

Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần xác định rõ những thách thức khi các nhân tố trong mô hình cạnh tranh-phát triển thay đổi, đồng thời vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội như giảm phát thải, bảo vệ môi trường, loại bỏ ngành nghề kinh doanh không phù hợp và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng hành cùng thách thức chính là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việt Nam đã qua thời kỳ cạnh tranh bởi giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm mà giờ đây, doanh nghiệp phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. Doanh nghiệp phải tính đến các yếu tố khác khi hoạch địch chiến lược cạnh tranh của mình như y tế, xã hội, môi trường, tạo việc làm, tiết kiệm năng lượng, duy trì đa dạng sinh học... Bởi vậy, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng xanh. Trên thực tế, để có thể thực hiện được nền kinh tế xanh, hơn ai hết, chính doanh nghiệp và người lao động sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh hóa bền vững và lâu dài. (Còn tiếp)
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm