Bí thư đoàn Lê Xuân Hải hết lòng vì cuộc sống của bà con thôn Tà Lao

Bí thư đoàn Lê Xuân Hải hết lòng vì cuộc sống của bà con thôn Tà Lao
Bí thư đoàn Lê Xuân Hải hết lòng vì cuộc sống của bà con thôn Tà Lao ảnh 1
Dòng nước mát lành từ đầu nguồn khe Kha Khoa được anh Hải dẫn về cho dân bản sử dụng. Ảnh: baoquangtri.vn

Ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, các hộ dân ở thôn Tà Lao sống rất khó khăn, vất vả. Cả thôn có 3 hộ gia đình với 25 nhân khẩu. Nhà cửa làm bằng tranh tre tạm bợ, nước sinh hoạt và nước sản xuất từ nước mưa hoặc nước suối, sản xuất hoàn toàn dựa vào nương rẫy. Đời sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, thiếu đói.

Mọi sự bắt đầu thay đổi khi anh Lê Xuân Hải từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa về sinh sống và lập nghiệp tại đây vào năm 1996. Tận mắt thấy cuộc sống khó khăn của người dân, anh Hải đã trăn trở, tìm hướng giúp bà con lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Thấy cảnh người dân phải đi xa hàng km để gùi nước suối về sinh hoạt, hôm trời nắng còn lấy được nước trong, trời mưa thì nước đục ngầu đầy phù sa và rác bẩn..., anh Lê Xuân Hải đã dùng toàn bộ số tiền hơn 50 triệu đồng tích cóp của mình để mua 2.000 mét ống nước bằng nhựa, dẫn nước từ trên đầu nguồn suối về tận thôn, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân, giúp bà con ổn định đời sống, sức khỏe và yên tâm sản xuất.

Trong quá trình sinh sống ở đây, anh Lê Xuân Hải đã nghiên cứu địa hình, chủ động ngăn dòng suối, đào mương đắp bờ làm hơn 1 ha ruộng lúa nước; tập trung khai hoang trồng được hơn 7 ha rừng tràm. Để lấy ngắn nuôi dài cũng là để tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp, gia đình anh đầu tư nuôi 12 con bò, 4 con trâu, cùng đàn lợn, dê, gà..., vừa có thêm thu nhập, đồng thời cũng có thêm nguồn phân bón cho cây trồng.

Nhờ sản xuất khoa học, cuộc sống gia đình anh không những đã ổn định mà còn ngày càng phát triển, có của ăn, của để, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt trong gia đình, đặc biệt là có thêm điều kiện để chăm sóc con cái học hành đến nơi đến chốn. Các con anh đều học hành, thành đạt, một người đang công tác tại Công an huyện ĐaKrông, một người đã tốt nghiệp Trường đại học Luật Huế và một người đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ những thành quả gia đình anh Hải đạt được, noi gương anh, các hộ gia đình trong thôn đều tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc từ 1 - 2 ha/hộ, chuyển đổi các diện tích trồng lúa rẫy không hiệu quả sang trồng các loại hoa màu khác như: Sắn, vừng, ngô…, mang lại hiệu quả kinh tế hơn trước nhiều. Nhờ đó, hiện nay, thôn Tà Lao đã phát triển lên 88 hộ dân với gần 500 nhân khẩu, là thôn đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội trong tổng số 9 thôn của xã Tà Long.

Anh Lê Xuân Hải tâm sự: Điều mình vui nhất là hiện nay cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân thôn Tà Lao đã thay đổi nhiều. Bây giờ, mọi nhà đều biết chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết đầu tư phát triển sản xuất chứ không thụ động như trước nữa, hiệu quả trong sản xuất không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, đời sống của người dân thôn Tà Lao không những đủ ăn mà nhiều hộ còn dư thừa để cung ứng cho thị trường. Trên 80% số hộ dân trong thôn có nhà kiên cố, các gia đình đã mua sắm được phương tiện cơ giới để đi lại, đồ dùng đắt tiền để sinh hoạt trong gia đình, chăm sóc con cái học hành chu đáo...

Do khu vực nhà ở của các hộ dân trong thôn cách xa khu vực sản xuất, lại bị chia cách bởi suối Tà Lao gây khó khăn trong việc đi lại của bà con nên năm 2015, anh Hải đã chủ động đầu tư 27 triệu đồng mua dây cáp, trụ gỗ, thép buộc, ván lát sàn… đồng thời vận động người dân chung sức làm cây cầu dài 100 mét bắc qua con suối. 
 
Từ khi có cây cầu bắc qua suối Tà Lao, người dân yên tâm sản xuất, canh tác. Ảnh: baoquangtri.vn
Từ khi có cây cầu bắc qua suối Tà Lao, người dân yên tâm sản xuất, canh tác. Ảnh: baoquangtri.vn

Từ khi có cây cầu, việc đi lại của người dân trong thôn thuận tiện hẳn. Dù mưa hay nắng, người dân thôn Tà Lao đều đã thuận tiện qua suối để sản xuất. Chị Hồ Thị Pen, ở thôn Tà Lao, chia sẻ: Trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn. Từ khi có anh Hải đến ở, cuộc sống của bà con đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi học được nhiều kiến thức trong chăn nuôi và trồng trọt, đời sống tốt hơn nhiều. Nhờ có cây cầu anh Hải làm, chúng tôi cũng không còn lo trời mưa lũ nữa.

Chị Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long, cho biết: Anh Lê Xuân Hải là người chuyên tâm với công việc, sống và làm việc rất có kỷ luật và trách nhiệm, luôn chủ động tham mưu cho UBND xã giải quyết nhanh chóng các loại thủ tục hành chính cho nhân dân, giúp người dân cảm thấy thuận tiện khi đến làm các thủ tục giấy tờ. Anh Hải còn tự tìm tòi tài liệu, trên sách báo và mạng internet để trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho bản thân; luôn hòa đồng và quan tâm đến mọi người trong cuộc sống; dám nghĩ dám làm, nói được và làm được. Anh Hải cũng là tấm gương về phát triển kinh tế gia đình, đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất. Hằng năm, anh Lê Xuân Hải đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Trịnh Bang Nhiệm
TTXVN

Có thể bạn quan tâm