Bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Nam thực hiện thành công kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân

Bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Nam thực hiện thành công kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân
Được chẩn đoán hở van động mạch chủ và cần phẫu thuật thay van nhưng chị V.T.M (30 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) vẫn băn khoăn bởi một khi đã thay van tim nhân tạo thì cơ hội mang thai và sinh con là khá thấp. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, chị V.T.M được phẫu thuật tái tạo van tim bằng chính màng tim của chính mình.

Không chỉ giúp cải thiện bệnh tình, phương pháp mới này còn đảm bảo cơ hội cho chị V.T.M được làm mẹ. Hai tháng sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã phục hồi và dự định sẽ mang thai trong năm 2018.
Một ca phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ với vật liệu tự thân (còn gọi là kỹ thuật Ozaki) tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Một ca phẫu thuật thay van tim cho bệnh nhân bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ với vật liệu tự thân (còn gọi là kỹ thuật Ozaki) tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Đây là 1 trong 10 bệnh nhân được Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng vật liệu tự thân.

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Định cho biết, van tim được tái tạo từ một phần cơ thể của người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể tốt hơn, thời hạn sử dụng của van được kéo dài hơn. Bên cạnh đó, những khuyết điểm của hai loại van thường dùng trước đây là van cơ học và van sinh học cũng đã được khắc phục, giúp người bệnh không dùng thuốc kháng đông suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng van nhân tạo, không cần thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra.

Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là phương pháp mới, do Giáo sư Ozaki người Nhật Bản phát kiến năm 2007 đã mở ra hy vọng giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của phẫu thuật thay van động mạch chủ. Sau 10 năm triển khai, tỷ lệ người bệnh tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân không phải mổ lại lên đến 98%, trong khi tỷ lệ này ở bệnh nhân thay van nhân tạo là 85%.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thăm khám cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay van tim bằng kỹ thuật Ozaki. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thăm khám cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay van tim bằng kỹ thuật Ozaki. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Định cho biết thêm, kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh mong muốn không bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật và không muốn phải chịu đựng phẫu thuật nhiều lần.

Tại Việt Nam, ngoài Bệnh viện E (Hà Nội), Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Nam thực hiện được kỹ thuật này. Không chỉ dừng lại ở việc học hỏi và áp dụng thành công, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh còn là đơn vị tiên phong kết hợp kỹ thuật ít xâm lấn với phương pháp Ozaki. Tại đây, phẫu thuật nội soi được áp dụng để lấy màng tim với vết mổ chỉ dài 6cm, giúp người bệnh giảm đau đớn, ít mất máu và không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm