Bảo tồn và phát triển sâm cau tại Vườn quốc gia Bến En

Bảo tồn và phát triển sâm cau tại Vườn quốc gia Bến En
Rễ cây sâm Cau trưởng thành. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Rễ cây sâm Cau trưởng thành. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN 

Sâm cau là cây thân thảo, vỏ màu nâu đen, lá đơn mọc vòng quanh thân, quả lúc non có màu xanh, hạt chín có màu đen tuyền. Đây là cây thuốc quý đã có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007, rễ và củ của cây có công dụng làm thuốc trị các bệnh liệt dương, tê thấp, tăng cường miễn dịch, bổ thận... Một số người dân tộc thiểu số còn dùng củ cây này chữa bệnh hen, tiêu chảy hoặc giã nát đắp chữa lở loét, ngâm rượu.

Trên thế giới, Sâm cau phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới ẩm, cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Ở Việt Nam, Sâm cau mọc chủ yếu dưới các tán rừng thuộc các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình. Tại Thanh Hóa, loài cây này thường mọc ở những khu rừng thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Như Thanh. Tại khu vực Vườn quốc gia Bến En, Sâm cau mọc tự nhiên dưới tán rừng. Do có giá trị kinh tế cao nên Sâm cau bị khai thác ồ ạt, nếu không có giải pháp bảo tồn và trồng bổ sung, tương lai loài cây này sẽ mất hẳn.

Thân cây sâm Cau được nhân giống. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN phát
Thân cây sâm Cau được nhân giống. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN phát

Để thực hiện đề tài, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng, phân bố, đặc điểm sinh thái của loài Sâm cau tại các tiểu khu và 12 xã giáp danh; đồng thời, lập 10 tuyến điều tra với chiều dài mỗi tuyến là 3 km, từ đó phát hiện loài Sâm cau mọc tự nhiên ở các tiểu khu 614, 615, 617.

Ngay sau đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã xây dựng vườn sản xuất cây giống với diện tích 200 m2, thực hiện mô hình trồng Sâm cau dưới tán rừng tự nhiên và mô hình trồng dưới tán rừng trồng trên tiểu khu rừng 617. Tới nay, các cây trồng đều phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Để giâm hom làm giống, cán bộ khu bảo tồn đã cắt bỏ lá cây, sau đó cắt tiếp 2-3 cm ở phần đỉnh củ cây Sâm cau để mang vào bảo quản, phần còn lại của củ và rễ được sơ chế thành sản phẩm bán ra thị trường.

Sau 2 năm, Ban quản lý vườn quốc gia Bến En đã thu được 702 kg củ và rễ sâm cau. Hiện thu nhập từ mô hình trồng Sâm cau dưới tán rừng tự nhiên từ việc bán hom giống và sản phẩm củ là 80 triệu, thu nhập từ mô hình trồng Sâm cau dưới tán rừng trồng là 89 triệu. Để tiếp tục bảo quản, sử dụng hợp lý Sâm cau sau khi khai thác, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã sử dụng biện pháp bảo quản lâu dài, đem sâm cau phơi khô, cất giữ vào lọ có túi hút ẩm bịt kín.

Cây sâm Cau được nhân giống sinh trưởng tốt. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Cây sâm Cau được nhân giống sinh trưởng tốt.
Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện nay, thực hiện mô hình trồng Sâm cau trên diện tích 1 ha dưới tán rừng có thể giải quyết việc làm 3 lao động với thu nhập ổn định. Mô hình trồng Sâm Cau đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân bằng phương pháp canh tác mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Hải, thôn Xuân Lai, xã Hải Vân, huyện Như Thanh, chủ khu rừng nơi thực hiện đề tài cho biết, đất rừng của gia đình ông thuộc vùng thuộc diện triển khai đề tài, ông đã được tiếp cận công nghệ trồng cây Sâm cau. Mặc dù giá trị lợi nhuận về kinh tế chưa cao nhưng đây cũng là một sinh kế mới cho gia đình ông và những người dân miền núi khác phát triển kinh tế.

Cây sâm Cau được nhân giống sinh trưởng tốt. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Cây sâm Cau được nhân giống sinh trưởng tốt.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia bến En, những năm tiếp theo, Ban quản lý sẽ lồng ghép các chương trình, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hái, sơ chế Sâm cau cho người dân các xã thuộc vùng đệm Bến En. Đồng thời hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá bán, giảm thời gian lưu kho của sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cho hộ trồng Sâm cau.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm