Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý lúa Nếp cái hạt cau

Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý lúa Nếp cái hạt cau
Lúa Nếp cái hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, Cẩm Thủy… Khi trồng giống lúa này, người dân sẽ rút ngắn thời gian thu hoạch bởi cây sinh trưởng chỉ từ 147-150 ngày, vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, năng suất thấp nhất đạt trên 38 tạ/ha, giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần lúa thường. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, đậm đà, lúa Nếp cái hạt cau được nhiều người ưa chuộng, từ nguồn lúa Nếp cái hạt cau có thế chế biến ra rượu nếp cái hạt cau, sản phẩm gạo, bánh từ nếp hạt cau...

Thu hoạch lúa nếp hạt cau tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh thanhhoa.gov.vn
Thu hoạch lúa nếp hạt cau tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Ảnh thanhhoa.gov.vn

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp cái hạt cau còn gặp khó khăn do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong nhiều năm trước đó, khiến cho nguồn gen này đang dần bị mất đi. Từ thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nghiên cứu, sản xuất lúa qua từng mùa.

Trong vụ mùa 2015, Trung tâm tiến hành thu thập, đánh giá, lấy mẫu 20 kg lúa của 20 hộ dân đang trồng lúa Nếp cái hạt cau tại hai xã Thạch Bình, xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) để nghiên cứu, sàng lọc. Qua đó, Trung tâm chọn được 12 kg hạt lúa có màu sắc hạt gạo, hương thơm phù hợp với bản mô tả giống lúa Nếp hạt cau gốc đang lưu trữ tại Trung tâm.

Từ nguồn vật liệu thu thập được, Trung tâm tiến hành gieo trồng các hạt giống lúa Nếp cái hạt cau này trong Vườn vật liệu khởi đầu ở xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành để chọn ra các cá thể ưu tú. Trong số 500 cá thể theo dõi, có 250 cá thể đúng với mô tả giống gốc. Từ đó, Trung tâm tiến hành so sánh các chỉ tiêu hình thái của hạt với bản mô tả gốc, đánh giá độ dẻo, hương thơm của giống để chọn lọc 48 dòng ưu tú tiếp tục gieo ở vụ mùa sau.

Sang vụ mùa 2016, Trung tâm xây dựng mô hình trình diễn lúa Nếp cái hạt cau tại ba điểm (xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành; xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung; xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), mỗi điểm có diện tích 3 ha; tổ chức ba hội nghị tại ba điểm đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất lúa Nếp cái hạt cau.

Qua theo dõi đánh giá, lúa Nếp cái hạt cau ở các mô hình này đều sinh trưởng phát triển tốt, khả năng kháng với một số sâu bệnh chính khá, độ thuần đồng ruộng cao. Năng suất lúa ở các mô hình trung bình đạt 42,5 tạ/ ha, trong đó ở mô hình ở Án Sơn, Thạch Bình năng suất đạt cao nhất 48,6 tạ/ ha.

Tính đến đầu năm 2017, Trung tâm thu hoạch được 750 kg hạt giống đảm bảo chất lượng cao. Ông Lê Khắc Chiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trung tâm đang thực hiện quy trình bảo quản, lưu giữ nguồn gen lúa Nếp cái hạt cau tại chỗ thuộc xã Thạch Bình, Thạch Đồng, huyện Thạch Thành trong vụ mùa 2016 và đầu vụ mùa 2017 với qui mô 2.000 m2 để góp phần giữ được phẩm chất tốt của giống lúa cổ truyền, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thới gian tới, Trung tâm sẽ đánh giá thử nghiệm tỷ lệ nảy mầm đối với các giống trên để xác định thời gian bảo quản trong kho lạnh sâu hợp lý, qua đó đưa ra phương án bảo quản tốt nhất nguồn gen quý lúa Nếp cái hạt cau.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm