Bảo hiểm thất nghiệp: “Cứu cánh” của người lao động

Bảo hiểm thất nghiệp: “Cứu cánh” của người lao động
                               Bảo hiểm thất nghiệp: “Cứu cánh” của người lao động ảnh 1
                                 Tham gia BHTN sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn khi mất việc.

Tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm đang là áp lực lớn đối với người lao động, do đó, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thì chính sách BHTN đã trở thành “cứu cánh” hỗ trợ một số lợi ích cho người lao động khi bị mất việc. Chẳng hạn, người lao động sẽ được nhận trợ cấp, được tư vấn miễn phí về lao động - việc làm, được hỗ trợ học nghề. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và Văn phòng BHTN - Dịch vụ việc làm Cái Tắc (huyện Châu Thành A) và Văn phòng BHTN - Dịch vụ việc làm thị xã Ngã Bảy đã tiếp nhận 1.555 hồ sơ đăng ký hưởng BHTN. Trong đó, có 1.436 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Được biết, khi tham gia BHTN, hàng tháng, người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng nhưng khi nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tới 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Như vậy, quyền lợi của người lao động đã được quan tâm rất nhiều.

Anh Lê Thanh Nam, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Trước đây tôi làm ở Công ty TNHH Phú Thạnh (huyện Châu Thành A), nhưng công việc không phù hợp, do đó, tôi xin nghỉ làm. Trong thời gian đó, tôi đến Văn phòng BHTN - Dịch vụ việc làm Cái Tắc (huyện Cái Tắc) để đăng ký BHTN, cũng như tìm kiếm thông tin về thị trường việc làm trong và ngoài tỉnh”. Được biết, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, anh Nam được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng cũng được trên 1,5 triệu đồng. Nhờ số tiền này cũng giúp anh trang trải phần nào chi phí sinh hoạt gia đình.

Cũng như anh Nam, chị Lê Thị Phúc Hạnh, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, đã làm việc ở Công ty Cổ phần Bia - Nước giải khát Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) được gần 20 năm, với mức lương trên 2,5 triệu đồng/tháng. Nay do điều kiện gia đình và lý do sức khỏe nên chị nghỉ làm, về quê tìm việc làm mới và chị cũng rất phấn khởi khi được nhận quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp. Chị Hạnh bộc bạch: “Trong thời gian chưa tìm được việc làm, không những tôi được hưởng trợ cấp hàng tháng, mà còn được hưởng cả chế độ bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, tôi rất yên tâm dành thời gian tìm việc làm mới”.

Với anh Nam, chị Hạnh và cũng như nhiều lao động khác, BHTN thật sự là chỗ dựa rất lớn để họ có thể vượt qua phần nào khó khăn khi mất việc. Theo số liệu thống kê, tổng số người lao động đăng ký BHTN trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2010 đến năm 2014 là 9.560 người, trong đó, năm 2010 là 840 người, năm 2011 là 1.286 người, năm 2012 là 2.228 người, năm 2013 là 2.588 người, năm 2014 là 2.618 người. Và số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, số người được hưởng trợ cấp là 818 người, với số tiền chi trả trên 2,1 tỉ đồng, thì đến năm 2014 số người được hưởng đã tăng lên 2,534 người với số tiền chi trả trên 18,3 tỉ đồng. Nhìn chung, sau thời gian thực hiện, BHTN đã dần đi vào cuộc sống và còn là cầu nối giúp cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Sáng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), cho biết: “Chính sách BHTN đã góp phần tích cực trong việc giải quyết an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian qua. Khi tham gia BHTN, lao động mất việc làm không chỉ được trợ cấp một khoản kinh phí để trang trải cho cuộc sống, mà còn được giúp đỡ về mặt tinh thần, được tư vấn tìm việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề, được hưởng bảo hiểm y tế”. Và cũng theo bà Sáng, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHTN. Từ đó, tạo được sự gắn bó bền chặt của người lao động với người sử dụng lao động.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm