Bạc Liêu ban hành kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025

Bạc Liêu ban hành kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025
Cán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn thả gia cầm ngăn chặn dịch cúm A/H5N6 lan rộng. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Cán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn thả gia cầm ngăn chặn dịch cúm A/H5N6 lan rộng. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, việc triển khai phòng, chống nhằm kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ giai đoạn 2019 – 2025, Bạc Liêu phấn đấu tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn thuộc dạng tiêm; vận động, hướng dẫn xây dựng các vùng, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm… Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh và các đơn vị liên quan cũng phối hợp chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện; phân vùng nguy cơ để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng, chống bệnh hiệu quả; xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y. Các đơn vị thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng; tiêm phòng bao vây khi xuất hiện ổ dịch; quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát ấp, nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tỉnh chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh, giảm thiểu các hành vi làm dịch bệnh phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh. Hiện nay, các vùng dịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt cần được chú trọng bao gồm huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai (vùng nguy cơ cao có 2 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm 2014 – 2018); huyện Vĩnh Lợi, huyện Đông Hải (vùng nguy cơ thấp có không quá 1 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm 2014 – 2018). Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu Trương Phước Thông cho biết, thời gian qua, Bạc Liêu đã tăng cường giám sát, phòng bệnh; trong đó đặc biệt quan tâm đến tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; vận động người dân kê khai khi nuôi mới, nghi vấn phát hiện bệnh báo ngay đến ngành chức năng... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người chăn nuôi có biểu hiện lơ là, né tránh trong việc tiêm phòng, ngừa bệnh. Hơn nữa, phần lớn đàn gia cầm nuôi phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình; quy trình, chuồng trại, kỹ thuật nuôi chưa tốt, gây nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Tỉnh Bạc Liêu có đàn gia cầm gần 2,9 triệu con; trong đó đàn gà gần 1,2 triệu con; sản lượng trứng gia cầm hơn 30,5 triệu quả; tiêm phòng cúm gia cầm gần 535.000 liều. Các Trạm Kiểm dịch đã kiểm dịch gần 970.200 con gia cầm; 90.000 quả trứng gia cầm; kiểm soát giết mổ gần 25.000 con gia cầm. Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2019 đến nay toàn tỉnh chưa phát hiện bệnh cúm gia cầm.
Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm