Bắc Giang nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Giang nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo đó, tỉnh quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện công khai hóa các chính sách, dự án, vốn đầu tư… để nhân dân biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực hoạt động về giảm nghèo để người nghèo, người cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi dễ dàng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội về vay vốn tín dụng, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, y tế, bảo hiểm xã hội... đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vốn, công nghệ sản xuất phù hợp vào các khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua trên địa bàn đã từng bước thay đổi diện mạo đời sống, trình độ sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình trong thời gian tới, cần cơ cấu lại trên cơ sở tích hợp chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung vào giao thông, đất sản xuất, tín dụng (cho vay sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động), đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt, giáo dục, y tế. Đồng thời, cần xóa cơ chế cho không đối với các đối tượng thụ hưởng, chuyển sang cho vay có điều kiện, có đối ứng; khắc phục hạn chế trong bố trí vốn, tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng...

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã huy động, đầu tư trên 280 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương phân bổ và nhân dân đóng góp cho triển khai thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2018. Trong số này, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị, công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho trên 21.000 lượt hộ nghèo, tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, trong đó nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như mô hình hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu, mô hình dưa chuột vụ đông ở xã Tiến Thắng, mô hình chè giống mới ở xã Xuân Lương, bưởi Diễn ở xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế), mô hình nhãn Miền Thiết ở xã Lục Sơn (huyện Lục Nam). Triển khai dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Bắc Giang giao UBND các xã làm chủ đầu tư, xây dựng mới 242 công trình thủy lợi, trường lớp học, giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế. Thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng, toàn tỉnh đã tổ chức 316 lớp tập huấn chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, kỹ thuật thâm canh rừng sản xuất và cây ăn quả; chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... cho trên 21.000 lượt người dân.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Bắc Giang có 188 xã vùng dân tộc và miền núi, trong đó 58 xã khu vực I, 90 xã khu vực II, 40 xã khu vực III, với 407 thôn đặc biệt khó khăn. Nhờ sự quan tâm bố trí nguồn lực của Đảng, Nhà nước và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Bắc Giang có những thay đổi căn bản. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 5,2%/năm, từ 34,84% năm 2015 xuống còn 19,13% năm 2018. Đến nay, vùng dân tộc của tỉnh có 65% xã có đường trục xã được cứng hóa; trên 91% xã có trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 68,7% nhu cầu tưới tiêu.
Việt Hùng

Có thể bạn quan tâm