Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân gặp khó khi giá tiêu xuống thấp

Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân gặp khó khi giá tiêu xuống thấp
Thu hoạch tiêu tại một vườn tiêu xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
 Thu hoạch tiêu tại một vườn tiêu xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Theo khảo sát, vụ tiêu năm nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hầu hết các vườn đều bị thất thu, trái chỉ lác đác trên cây; trong khi đó, giá lại rớt xuống thấp, nhân công lại khó kiếm, khiến nhiều nông dân muốn bỏ vườn.

Gia đình bà Dương Thị Mai, ngụ ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, có 1,5 ha hồ tiêu đang bắt đầu chín rộ, từ mùng 3 Tết n bà đã bắt đầu phải tìm người thu hoạch. Tuy nhiên, sau cả tuần lễ, gia đình bà vẫn đang chạy đôn chạy đáo vì không tìm thuê được nhân công hái tiêu.

Theo bà Mai, các năm trước, hồ tiêu chín sớm hơn, bà con bắt đầu thu hoạch từ trước Tết, lúc đó do nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình dịp Tết nên việc tìm nhân công vẫn còn dễ. Năm nay, tiêu chín muộn, ra Tết người ta đi làm thuê ở thành phố hoặc những nơi có thu nhập cao hơn nên việc kiếm nhân công vô cùng khó khăn.

“Nhà neo người, những ngày qua chỉ có 2 mẹ con tôi thu hoạch, nhưng cả hàng nghìn cây tiêu thế này không biết bao giờ mới xong”, bà Mai chia sẻ thêm.

Còn gia đình anh Phạm Quang Thanh, ngụ thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức có 1ha tiêu cũng đang bước vào vụ thu hoạch rộ, năm nay tìm kiếm khắp nơi, từ nhiều nguồn từ khi chưa đến Tết, anh may mắn kiếm 5 nhân công hái tiêu.

Tuy nhiên, anh Thanh cho biết, do giá tiêu liên tục xuống thấp nên gia đình anh không có tiền để đầu tư, chăm bón cây tiêu, cộng với thời tiết khiến tiêu đậu trái không nhiều, năng suất giảm chỉ còn khoảng 1,5 đến 2 tấn/1ha (năng suất tiêu đạt là khoảng 3-3,5 tấn/1ha).

Thế nhưng, tiền nhân công thuê hái tiêu lên đến 220.000 đồng/ngày và như vậy, với giá 36.000-38.000 đồng/kg tiêu, thì anh phải mất khoảng 6 kg tiêu khô mới trả được tiền công cho 1 công hái/ngày.

“Dù giá xuống thấp, tiền thuê nhân công cao, mà giờ bỏ vườn không hái tôi cũng không đành. Sau vụ tiêu này tôi không có lấy một đồng lời mà còn lỗ nặng, nhưng chặt bỏ vườn tiêu thì tôi không biết phải trồng cây gì”, anh Thanh buồn bã chia sẻ thêm.

Không riêng gì các vườn tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức gặp khó khăn, các vườn tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc năm nay cũng rơi vào cảnh tương tự.
 
Thu hoạch tiêu tại một vườn tiêu xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Thu hoạch tiêu tại một vườn tiêu xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Gia đình anh Nguyễn Đình Hoàng, ngụ ấp Phú Qúy, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 5ha tiêu, vườn tiêu của gia đình anh trồng được 6 năm tuổi. Anh cho biết, năm 2019 do ảnh hưởng của thời tiết vì trời nắng nhiều và gay gắt vào đúng thời điểm cây tiêu ra hoa, nên vườn tiêu của gia đình anh không đủ nước tưới cộng với nắng gắt, nắng nhiều đã khiến nhiều vườn tiêu bị khô hoa dẫn đến việc đậu trái bị ảnh hưởng nặng nề. Năng suất giảm khoảng 70% so với vụ tiêu năm 2019. Thời gian gần đây, hồ tiêu rớt giá mạnh chỉ còn từ 36.000-38.000 đồng/kg khiến gia đình anh thực sự lao đao (trước khi bước vào vụ thu hoạch giá là từ 40.000-41.000 đồng/kg).

Nay vụ tiêu đang thu hoạch lại sụt giảm mạnh về năng suất, vì các trụ tiêu chỉ cho lưa thưa vài gié, các gié cũng chỉ lác đác vài trái, nên dự kiến năm nay 5ha gia đình anh chỉ thu về chưa đến 10 tấn (vụ tiêu năm 2019 gia đình anh Hoàng thu là 40 tấn).

“Với 5 ha tôi kiếm được hơn 20 nhân công hái tiêu. Tuy nhiên, công hái tiêu nếu như năm 2019 chỉ từ 200.000-220.000 đồng/người, nay đã đội lên 250.000 đồng/người. Tiêu thì thất thu, gía tiêu thì rớt xuống thấp, giá nhân công lại quá cao, năm nay thực sự là năm khó khăn với người trồng tiêu. Với tình hình, cây tiêu ngày càng khó khăn, tôi có dự định sau vụ thu hoạch này sẽ chặt tiêu để chuyển sang trồng các loại cây khác như: nhãn, bơ…”, anh Hoàng nói.

Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm nay, tiêu năng suất thấp, giá tiêu hiện tại thương lái thu mua cũng chỉ từ 36.000-38.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhân công hiện tại nếu thuê được cũng khoảng 220- 250 ngàn đồng/ngày/công, chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chăm sóc ban đầu… Do vậy, nhiều người trồng tiêu nhận định, dù hộ trồng tiêu nào đạt chất lượng tốt cũng khó mà huề vốn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 13.000ha, trong đó diện tích đang cho trái là hơn 10.300ha. Vụ tiêu năm 2020, năng suất ở hầu hết các vườn đều giảm từ 50-70% so với năm 2019. Một phần do vài năm trở lại đây, các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi, nên năng suất tiêu không cao.

Từ khi tiêu rớt giá, do không được chăm sóc, đầu tư cũng dẫn đến số lượng cây tiêu đã chết đi đáng kể, nhiều bà con phá bỏ và trồng thay thế loại cây khác như mít, sầu riêng, bơ... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con nông dân không nên chuyển qua trồng ồ ạt các loại cây khác, tránh tình trạng được mùa mất giá, hoặc hết thời hoàng kim lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội” như cây tiêu hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với những hộ có diện tích lớn, trồng lâu năm, ngành nông nghiệp vẫn khuyến khích giữ và phát triển cây tiêu, bởi tiêu vốn là một trong những cây trồng chủ lực, người nông dân đã bỏ chi phí đầu tư lớn để trồng tiêu, nay để chuyển đổi sang một cây trồng mới, họ phải phá bỏ hết nên thua lỗ lớn.
Hoàng Nhị
TTXVN

Có thể bạn quan tâm