An Giang tiếp tục tổ chức dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm cho học sinh tiểu học

An Giang tiếp tục tổ chức dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm cho học sinh tiểu học
Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú An Giang chú trọng dạy Khmer ngữ cho học sinh . Ảnh : baoangiang.com.vn
Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú An Giang chú trọng dạy Khmer ngữ cho học sinh . Ảnh : baoangiang.com.vn
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục An Giang tiếp tục triển khai dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các trường tiểu học để chuẩn bị tốt cho việc triển khai môn tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành Giáo dục sẽ triển khai dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần ở 321/321 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; trong đó giáo viên dạy tiếng Anh phải đáp ứng đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, tập trung phát triển hai kĩ năng nghe và nói. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên phải cho học sinh làm sách bài tập tiếng Anh sao cho phù hợp… Cũng trong năm học này, ngành Giáo dục An Giang tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Khmer theo Thông tư 24/2014/TT-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.  Ngành yêu cầu các địa phương, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, các trường trên địa bàn tỉnh có thể chọn dạy tiếng Khmer ở một trong hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, bắt đầu từ lớp 2 dạy 4 tiết/tuần; giai đoạn 2, bắt đầu dạy từ lớp 4 dạy 4 tiết/tuần. Các địa phương trên địa bàn tỉnh tùy tình hình thực tế có thể quy định việc dạy thêm tiếng Anh ở các trường này hoặc chỉ dạy tiếng Khmer. Ngành Giáo dục An Giang tiếp tục tổ chức dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho học sinh Khmer lớp 4 và lớp 5 ở 5 trường tiểu học: A An Tức, B An Tức, A Ô Lâm thuộc huyện Tri Tôn; Văn Giáo, D An Cư thuộc huyện Tịnh Biên. Đồng thời, tiếp tục dạy môn tiếng Chăm ở 2 trường tiểu học: Đ Khánh Hòa (huyện Châu Phú) và D Châu Phong (thị xã Tân Châu). Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang yêu cầu Phòng Giáo dục Đào tạo các huyện Châu Phú và Tân Châu tùy tình hình thực tế có thể quy định việc dạy thêm tiếng Anh ở các trường này hoặc chỉ dạy tiếng Chăm. Ông Lý Thanh Tú, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết: Trong tổ chức dạy tiếng Khmer, tiếng Chăm cho học sinh dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số ở các lớp 2, 3, 4 và lớp 5; trong đó, chú trọng đến việc tạo ra một môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh. “Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh người Khmer, Chăm sẽ được ngành đẩy mạnh trong các hoạt động dạy tiếng Việt thông qua các môn học và hoạt động giáo dục; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết như tranh hướng dẫn học sinh tập nói, bài hát bổ trợ học tiếng Việt và ưu tiên bố trí giáo viên là người Kinh biết nói tiếng dân tộc dạy lớp 1, đồng thời quan tâm đến năng lực phát âm tiếng Việt khi bố trí giáo viên dạy lớp 1 ở vùng dân tộc”, ông Tú nhấn mạnh. Đối với tổ chức dạy lớp ghép được thực hiện theo Công văn số 9548/BGDĐT-GDTH ngày 13/10/2008 về việc Hướng dẫn quản lý và tổ chức dạy học lớp ghép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, tỉnh chỉ mở lớp ghép ở địa bàn đặc biệt khó khăn, có giáo viên đã qua tập huấn, có bàn ghế, bảng lớp, tài liệu dạy học thích hợp và mỗi lớp chỉ ghép 2 trình độ, mỗi trình độ không quá 15 học sinh. Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Quy mô trường lớp được ngành quan tâm sắp xếp hợp lý, cơ sở vật chất được tăng cường từng bước tạo điều kiện cho học sinh các cấp có nhiều cơ hội học tập, hạn chế dần tình trạng học sinh bỏ học. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, ngành Giáo dục tỉnh đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và duy trì kết quả đạt 97,52% số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, trong năm học qua còn một số tồn tại cần khắc phục: Tỷ lệ huy động trẻ cấp mầm non rất thấp so với dân số trong độ tuổi; biên chế giáo viên mầm non/lớp thiếu; tình trạng học sinh bỏ học có giảm nhưng chưa nhiều; một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường...; tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia triển khai rất chậm (đến cuối năm học 2018-2019, toàn tỉnh An Giang có 206/714 trường học đạt chuẩn quốc gia). Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh tập trung nâng cao kết quả công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; tăng tỷ lệ học sinh đi học, thực hiện tốt các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; đẩy nhanh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để đến năm 2020, đạt 50% theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện; chú trọng chuyển dạy học từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh, đặc biệt là tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng học sinh trong giai đoạn hiện nay; tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả.
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm