An Giang tiến tới xây dựng “Mỗi vùng một sản phẩm”

An Giang tiến tới xây dựng “Mỗi vùng một sản phẩm”
Theo đó, tỉnh An Giang chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016-2020 đạt ít nhất 2,71%, giai đoạn 2021-2025 đạt ít nhất 3,2%. Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 192 triệu đồng/ha, đến năm 2025 đạt mức bình quân 228 triệu đồng/ha. Mức thu nhập bình quân người dân nông thôn đến năm 2020 là từ 45 triệu đồng/người/năm trở lên. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh An Giang đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, về thị trường, nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động tiếp cận, xúc tiến, tìm thị trường, thực hiện định vị sản phẩm và bộ giống nông sản, các giống chăn nuôi, thủy sản, xây dựng các quy trình kỹ thuật chuẩn tiến tới xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỉnh sẽ xây dựng Đề án cơ chế tạo lập quỹ đất công, đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng sẽ chú trọng có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng theo cơ chế thị trường để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ hiệu quả vận hành thị trường công nghệ, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp tham gia. 

Với nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất, trong đó nhà nước có cơ chế mở rộng hạn điền cho nhà đầu tư sở hữu và tích tụ diện tích đất lớn, tỉnh ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm kinh tế trang trại, hình thành “Mỗi vùng một sản phẩm” nông nghiệp đặc trưng, gắn với xây dựng thương hiệu, kết hợp phát triển du lịch và phân phối đến các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước. 

Tỉnh cũng đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành nông nghiệp, đội ngũ nông dân theo ba cấp độ gắn với Chương trình phát triển nguồn nhân lực như đào tạo đội ngũ nông dân nông nghiệp gắn theo từng đề án, dự án, chương trình, chuỗi giá trị, các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời đào tạo nông dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và dịch vụ./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm