An Giang tập trung xuất khẩu các sản phẩm chủ lực

An Giang tập trung xuất khẩu các sản phẩm chủ lực
Xoài Cao Lãnh. Ảnh : TTXVN
Xoài Cao Lãnh. Ảnh : TTXVN
Sau hơn 5 năm triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay tỉnh An Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), thủy sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thủy sản), rau an toàn, .... Qua đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của An Giang đạt được nhiều thành công, cả về quy mô và tốc độ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 700 triệu USD thì đến năm 2019 đạt 890 triệu USD; trong đó, hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng qua từng năm. Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh An Giang như: nông sản, thủy sản, rau quả đông lạnh..., chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Từ đó, góp phần tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy sản xuất và phát triển thương mại. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới như: Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan,... "Hiện nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tự lực đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết có thực hiện nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm nhiều trong lĩnh vực liên kết sản xuất….", ông Lê Văn Nưng cho biết thêm. Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh An Giang, hiện các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh An Giang chủ yếu là chế biến thô, chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp. Trong khi kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng chậm qua các năm. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của An Giang còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (trên 70% giá trị xuất khẩu). Trong khi Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch động, thực vật, do vậy yêu cầu về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu vào nước này sẽ ngày càng khắc khe hơn. Năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh An Giang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2020 đạt 930 triệu USD, và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh những năm tiếp theo; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như: mặt hàng gạo; thủy sản; rau quả và có ít nhất 2 sản phẩm được xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,2 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,2% đến năm 2025. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025, tỉnh An Giang sẽ tập trung vào 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh là: cá tra, gạo, nếp, chuối, xoài và một số loại trái cây tiềm năng như cây có múi, nhãn, sầu riêng... nhằm nâng chất hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. Để xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang đạt hiệu quả, ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, An Giang sẽ định hướng, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững; từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP hoặc Organic nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng mã vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu chính ngạch. “Tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học nhằm đa dạng hóa các loại hình chế biến sản phẩm nông sản như: rau củ, trái cây sấy khô, sản phẩm đông lạnh, chiết xuất tinh dầu,... nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, giúp giữ trái cây lâu hơn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nhằm từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa thông qua hoạt động marketing”, ông Phan Lợi đưa ra một số giải pháp. Tỉnh An Giang cũng đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa gạo, phát triển sản xuất quy mô lớn, sản xuất hữu cơ; đầu tư trồng sản phẩm chuối, xoài áp dựng công nghệ cao, quy mô lớn. Trong thủy sản, thu hút đầu tư nuôi với quy mô lớn, đạt chứng nhận Global GAP hoặc Organic. Trong thu hút đầu tư, An Giang đưa ra một số tiêu chí đối tác phải có khả năng đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khép kín. Tỉnh An Giang cũng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm đất, sử dụng lao động chất lượng cao..

Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm