An Giang: Phum, sóc đồng bào Khmer vào Xuân

An Giang: Phum, sóc đồng bào Khmer vào Xuân
Đời sống nâng cao

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Cao Quang Liêm cho biết, năm nay, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn đón xuân vui hơn, bởi diện mạo phum, sóc đã có nhiều đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện; bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Bà con tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần giảm nghèo, xây dựng làng quê phát triển.

Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Ảnh: baoangiang.com.vn
Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Ảnh: baoangiang.com.vn

Năm 2019 với sự nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân huyện Tri Tôn hoàn thành và vượt 9/12 chỉ tiêu HĐND đề ra; tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 6,26; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 45,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 111,35 tỷ đồng, bằng 134,32% so dự toán; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,14%,...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, khang trang, ông Chau An (xã Núi Tô) không giấu được niềm vui vì Tết năm nay gia đình ông vừa xây được nhà mới, các con đi làm ăn xa về sum họp đông đủ. Tết Nguyên đán dù là Tết truyền thống của người Việt nhưng với ông Chau An và bà con dân tộc Khmer ở An Giang đều xem đây là Tết của dân tộc mình bên cạnh Tết Dolta, Chol Chnam Thmay,... và là dịp để gia đình quây quần, sum họp.

Ông An cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đến năm 2000, nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất luá hai vụ trong năm. Bên cạnh đó, nhờ chủ động nước tưới, gia đình ông An cải tạo lại diện tích hơn 2.000m2 đất rừng để trồng xoài và mít, từ đó cuộc sống gia đình thay đổi rõ rệt; ông có tiền dành dụm, tích góp mua thêm đất ruộng để sản xuất.

“Hiện nay, gia đình tôi có 2 ha đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, thu nhập từ vườn xoài và mít cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày” - ông Chau An phấn khởi.

Sức sống mới

Về xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) – địa phương có trên 97% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trong ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý 2020, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của bộ mặt nông thôn nơi đây, một sức sống mới đang hiện rõ trên từng phum, sóc và từng ngôi nhà. Đặc biệt, cuộc sống của đồng bào Khmer ở Ô Lâm giờ đây đã khấm khá hơn nên Tết Nguyên đán với họ cũng đậm đà, tươm tất hơn.

Vốn có sẵn nghề làm cốm dẹp, sau lễ hội Ok om bok (Tết cúng trăng của người Khmer Nam Bộ vào trung tuần tháng 10 âm lịch), gia đình Chau Sóc Sane (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) vẫn làm cốm để bán cho người Việt ở địa phương vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, người ta còn đặt gia đình ông gói bánh tét để ăn Tết nên giua đình ông Chau Sóc Sane cũng có thu nhập trong thời điểm cuối năm.

Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer hân hoan chào đón năm mới. Ảnh: baoangiang.com.vn
Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer hân hoan chào đón năm mới.
Ảnh: baoangiang.com.vn

“Mấy ngày Tết Nguyên đán, thanh niên trong xã đi làm ăn xa, được nghỉ về quê sum họp gia đình nên không khí ở các phum, sóc đông vui hơn; nên, năm nào, cũng trông mấy đứa con về ăn Tết Nguyên đán để nhà cửa ấm cúng hơn. Dịp Tết Dolta, Chol Chnam Thmay, Ok om bok thì đứa về, đứa không” – ông Chau Sóc Sane chia sẽ.

Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong tỉnh An Giang nên đời sống của bà con Khmer ở xã Ô Lâm nói riêng và nhân dân trong xã Ô Lâm nói chung ngày một phát triển, đường giao thông được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển du lịch tại địa phương,…

“Ngày nay khách du lịch biết đến Ô Lâm không chỉ có cốm dẹp, đường thốt nốt, chợ cỏ mà còn có khu du lịch hồ Ô Thu, gà đốt Ô Thum - món gà nướng đất sét của người Khmer,… đây là điều kiện để người dân xã Ô Lâm phát huy lợi thế, nâng cao thu nhập cho gia đình một cách bền vừng”- bà Oanh kỳ vọng.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, thời gian tới, với thế mạnh là nông nghiệp và đất đai, Tri Tôn sẽ tập trung khai thác lợi thế gắn với liên kết hợp tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, xây dựng; qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; để mỗi năm, bà con Khmer nói riêng và người dân Tri Tôn nói chung lại đón Tết Nguyên đán đủ đầy, vui vẻ hơn.
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm