An Giang chủ động phòng chống hạn, mặn và thiếu nước ngay từ đầu mùa khô

An Giang chủ động phòng chống hạn, mặn và thiếu nước ngay từ đầu mùa khô
Trạm bơm Bọng Định Nghĩa (thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên) phục vụ nước tưới cho hơn 1400 ha lúa vùng cao của bà con Khmer trong huyện. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Trạm bơm Bọng Định Nghĩa (thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên) phục vụ nước tưới cho hơn 1400 ha lúa vùng cao của bà con Khmer trong huyện. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Hiện khu vực có khả năng ảnh hưởng thiếu nước phục vụ cho sản xuất lúa vùng cao khoảng 7.000 ha tại hai huyện Tri Tôn (gồm các xã Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì) và Tịnh Biên (gồm các xã An Cư, An Hảo, Nhơn Hưng, Chi Lăng). Dự kiến, thời gian chịu ảnh hưởng trung bình khi xảy ra khô hạn khoảng 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 5/2019) Cũng trong khoảng thời gian trên, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn gồm các xã giáp ranh tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích 17.064 ha thuộc các xã: Bình Thành, Thoại Giang, thị trấn Óc Eo, Vọng Thê (huyện Thoại Sơn); Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Ô Lâm, Tân Tuyến (huyện Tri Tôn). Để kịp thời chống hạn phục vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, ông Trần Anh Thư yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh An Giang chủ động lập kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất cho hơn 260.000 ha gieo trồng lúa và hoa màu.
Trạm bơm Bọng Định Nghĩa (thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên) phục vụ nước tưới cho hơn 1400 ha lúa vùng cao của bà con Khmer trong huyện. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Trạm bơm Bọng Định Nghĩa (thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên) phục vụ nước tưới cho hơn 1400 ha lúa vùng cao của bà con Khmer trong huyện. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
An Giang dự kiến nguồn kinh phí 68,4 tỷ đồng để nạo vét 146 công trình kênh, mương gặp khó về nguồn nước do mực nước xuống thấp với chiều dài gần 319 km, khối lượng hơn 1,8 triệu m3. Trường hợp nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, An Giang sẽ triển khai đắp 20 đập tạm bảo vệ 7.400 ha lúa ở huyện Thoại Sơn và huyện Tri Tôn với kinh phí 2,7 tỷ đồng. Khi hạn hán xảy ra, tỉnh sẽ hỗ trợ 50 lít dầu/ha để bơm chống hạn cứu lúa cho 4.256 ha đất lúa vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, dự kiến kinh phí 2,6 tỷ đồng. Đối với vùng có khả năng thiếu nước cục bộ khi hạn hán xảy ra (khoảng 3.570 ha), tỉnh hỗ trợ 20 lít dầu/ha để tổ chức bơm cấp 2 với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng… Bên cạnh đó, khi xảy ra hạn mặn, An Giang sẽ triển khai 22 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ hơn 12.761 hộ nằm trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng do nguồn nước máy nhiễm mặn ở các xã tiếp giáp tỉnh Kiên Giang, xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bằng thiếu nước nguồn do mực nước xuống thấp với tổng chiều dài 122 km, kinh phí 48,7 tỷ đồng. Khi mặn xâm nhập sâu vào An Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương cần hướng dẫn người dân vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang-An Giang tập trung tối đa phương tiện để lấy nước, trữ nước ngọt dùng trong thời gian dài; khi thực hiện lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước. Các địa phương và đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn cần tính toán, cân đối dành nguồn nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho đến hết mùa khô hạn.
Nạo vét tuyến kênh ven Trà Sư, thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Nạo vét tuyến kênh ven Trà Sư, thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên.
Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Tỉnh yêu cầu, trên cơ sở nguồn nước tại từng thời điểm và dự báo của cơ quan khi tượng thủy văn, các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn chủ động hướng dẫn nhân dân sử dụng giống và bố trí loại cây trồng hợp lý; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước tưới. Người dân được tuyên truyền để hiểu về hiện tượng El Nino, tình hình hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như khả năng thiếu nguồn nước, nhiễm mặn, ô nhiễm có thể phát sinh thành dịch bệnh. An Giang khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để chủ động phương án đảm bảo nguồn nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Theo ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, dự báo từ tháng 3 đến tháng 5/2019, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1 độ C, phổ biến từ 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C nhất là ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Từ nay đến cuối tháng 5, mực nước trên các sông, kênh của tỉnh dao động theo triều với xu thế xuống dần, ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn từ 0,1-0,3m so cùng kỳ năm 2018. Độ mặn cao nhất vùng cửa sông tỉnh Kiên Giang khả năng xuất hiện khoảng tháng 4 đến tháng 5. Do đó, cảnh báo độ mặn sẽ xâm nhập vào vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang- An Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn; độ mặn cao nhất ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn có khả năng ở mức cao hơn năm 2018 - ông Ninh  lưu ý.
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm