Xã anh hùng Tăng Hòa trên đường xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã anh hùng Tăng Hòa trên đường xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông là địa bàn trọng điểm của tỉnh Gò Công trong kháng chiến chống Mỹ. 47 năm trôi qua, Tăng Hòa đã trở thành một trong những địa phương điển hình ở vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vững bước đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Tăng Hòa đã hứng chịu hàng tấn bom, đạn pháo cùng hàng trăm cuộc càn quét của Mỹ-Ngụy nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng, tiêu diệt các cơ sở cách mạng ở đây. Huyện ủy Gò Công đã lãnh đạo lực lượng vũ trang, dân quân xã Tăng Hòa vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến đấu phù hợp với địa bàn, góp phần vào thắng lợi chung của huyện. Ngày 22/8/1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày 30/4/1975, kinh tế của xã Tăng Hòa rất khó khăn. Đồng ruộng, nhà cửa tiêu điều; hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Tỷ lệ nghèo đói ở xã lúc này gần như dẫn đầu huyện, với con số khoảng 43%. Khi chưa có chương trình ngọt hóa của tỉnh, xã Tăng Hòa là nơi chịu ảnh hưởng của nước mặn từ biển Gò Công nên đất bị mặn nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Mum, nguyên Bí thư xã Tăng Hòa giai đoạn 2002-2012 khẳng định, bước đột phá lớn nhất và là điều quyết định trong xây dựng và phát triển kinh tế của xã sau ngày giải phóng miền Nam là vấn đề thủy lợi nội đồng. Khi kênh Thâm Thu được khơi dòng dẫn nước ngọt về khu vực Gò Công, các tuyến kênh trong xã được thi công, vừa “dẫn thủy nhập điền” vừa phát triển giao thông nông thôn. Hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn thành đủ sức tưới tiêu cho diện tích sản xuất và chăn nuôi, ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo sản xuất theo lịch thời vụ. Hơn nữa, chủ trương xóa đói, giảm nghèo bằng cách cho nông dân vay vốn ngân hàng ưu đãi với lãi suất thấp và các dự án của các đoàn thể đã giúp người dân dần ổn định cuộc sống.

Nhờ chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp, chương trình ngọt hóa vùng Gò Công đã được thực hiện, đáp ứng được niềm mong mỏi, ước mơ của người dân ở xã Tăng Hòa nói riêng và khu vực các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang nói chung. Hệ thống đê ngăn mặn cùng chương trình dẫn nước ngọt từ các huyện phía Tây về được hoàn thành đã ngăn chặn được sự tấn công của nước mặn.

Theo Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa Nguyễn Thế Hợp, kinh tế nông nghiệp của xã có cây lúa và rau màu là chủ lực. Hệ thống đê ngăn mặn và ô đê bao nội bộ đã ngăn chặn được sự tấn công của nước mặn, giúp cây lúa đứng vững từ một vụ bấp bênh lên hai vụ. 979 ha sản xuất lúa được người dân sản xuất 3 vụ ăn chắc với năng suất từ 7-8 tấn/ha. Với giá lúa được mua từ 6.500-7.000 đồng/kg, năng suất trung bình 7,8 tấn/ha, nông dân có lãi từ 10-20 triệu đồng/ha.

Theo quy hoạch của xã, khu vực các ấp Giồng Tân, Giồng Lãnh 2, Trại Ngang và Giồng Lãnh 1 sẽ là vùng sản xuất lúa theo công nghệ 4.0. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hòa) đã liên kết được với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ lúa, giúp thành viên nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tận dụng đặc trưng của vùng có nhiều đồng cỏ, nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa, ngành nông nghiệp xã cũng định hướng phát triển đàn bò, dê, gia cầm. Dấu ấn ghi nhận sự phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tăng Hòa trong xây dựng và phát triển kinh tế là việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 31/7/2019.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động hơn 207 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp trên 79 tỷ đồng. Đời sống người dân của xã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 45,89 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%; giao thông nông thôn được nhựa hóa đạt 100%...

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Hợp nhấn mạnh, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã dựa trên tiềm lực đất đai, lao động, điều kiện khả thi. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định hướng trọng điểm là duy trì và phát huy tốt công tác thủy lợi nội đồng để phát triển cây chủ lực là lúa và rau màu, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cán bộ, Đảng viên xã được quán triệt phải là đội ngũ “đầu tàu” để phát huy phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, xã hội.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tăng Hòa quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đầu tư nâng chất 19 tiêu chí nông thôn mới ngày càng vững chắc, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm