WHO đánh giá khả năng mắc các vấn đề về thính giác sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19

WHO đánh giá khả năng mắc các vấn đề về thính giác sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi và đánh giá về tình trạng hiếm gặp bị mất thính giác và mắc các vấn đề về thính giác khác sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

WHO đánh giá khả năng mắc các vấn đề về thính giác sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một bản tin đăng tải trên trang web của mình, WHO cho biết cơ quan này đã nhận được một số báo cáo ghi nhận các trường hợp có vấn đề về thính giác, đặc biệt là chứng ù tai, có thể liên quan đến vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, WHO đã ghi nhận 367 trường hợp bị ù tai và 164 trường hợp mất thính lực ở những người đã tiêm vaccine trên toàn cầu, thông thường xảy ra trong vòng 1 ngày sau khi tiêm. Các trường hợp này dường như cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hơn 11 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới.

Các báo cáo do Trung tâm Giám sát Uppsala, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập ở Thụy Điển hợp tác với WHO, ghi nhận từ 27 quốc gia, trong đó có Italy, Anh và Mỹ. Những người được ghi nhận xảy ra hiện tượng ù tai có độ tuổi từ 19 - 91, trong đó gần 75% là phụ nữ và hơn 30% là những người làm việc trong ngành y tế. Nhiều người cho biết đã hồi phục sau đó; tuy nhiên, một số khác cho biết họ bị ù tai liên tục trong nhiều tháng sau khi tiêm vaccine.

Theo WHO cũng như các Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và các công ty sản xuất vaccine, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine gây ra các vấn đề về thính giác. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 đánh giá các trường hợp có vấn đề thính giác sau khi tiêm vaccine COVID-19 là không phổ biến. Một nghiên cứu khác cũng được công bố trong tháng 2 cho thấy có rất ít trường hợp mắc các vấn đề về thính giác sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Các chuyên gia của WHO cho biết do các dữ liệu liên quan còn hạn chế nên cơ quan này đang theo dõi thêm về hiện tượng trên.

Hồng Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm