Vướng mắc của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại Đắk Lắk

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1 (từ năm 2021 đến năm 2025) tại tỉnh đã phát sinh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và đặc thù thực tế của địa phương. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của chương trình.

Vướng mắc của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại Đắk Lắk ảnh 1Nông dân Đắk Lắk thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Đắk Lắk gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như: Đối với Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hiện chưa có quy định cụ thể định mức hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương đối với các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, công trình nước sinh hoạt tập trung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện chương trình. Do đó, tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về một số định mức thực hiện chương trình.

Đối với Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết: Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải "đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng". Theo đó, trên địa bàn một xã đặc biệt khó khăn cùng một lúc không đầu tư hai dự án là dự án tái định cư tập trung và dự án ổn định dân cư tại chỗ, tuy nhiên trên thực tế rà soát, tỉnh Đắk Lắk có 54 xã đặc biệt khó khăn đều có nhu cầu được đầu tư, hỗ trợ cả hai dự án.

Đối với Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn kinh phí thực hiện Tiểu dự án được phân bổ vào những tháng cuối năm, trong khi đó, thời gian đào tạo đối với nghề phi nông nghiệp cho lao động phải thực hiện từ 3 - 4 tháng. Do cuối năm không phải là khoảng thời gian nông nhàn nên người lao động khó sắp xếp được thời gian tham gia các lớp học. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk H'yâo Knul cho biết, ngoài những khó khăn trên, quá trình triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để thực hiệu hiệu quả, thông suốt. Ban Dân tộc tỉnh cũng chủ động, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương, sở, ngành để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắt phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm sớm tham mưa, đề xuất giải pháp và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền.

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk bố trí 535.491 triệu đồng thực hiện Chương trình với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3,5%. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các xã, thôn, buôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Tỉnh Đắk Lắk tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.

Để sớm tháo gỡ những khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản báo cáo, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể và tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải pháp để tháo gỡ vướng mắt để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện chương trình.

Theo kế hoạch, tổng vốn thực hiện Chương trình trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1 (từ năm 2021 đến năm 2025) của tỉnh Đắk Lắk là hơn 2.258.251 triệu đồng.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm