Vững vàng vượt sóng cả

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Những ngày cuối cùng của năm 2022 đã trôi qua, không khí hối hả, tấp nập và cảm xúc hân hoan chào đón năm mới 2023 đang tràn ngập từ miền quê đến phố lớn. Nhìn lại năm 2022, chắc hẳn mỗi chúng ta đều có chung nhận xét đây là năm đầy khó khăn, thử thách đến từ những biến động trên thế giới và cả những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Chính phủ đã vững vàng cùng cả nước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực, tạo nền tảng cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Vững vàng vượt sóng cả ảnh 1Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Những cơn sóng trào

Do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp hơn, biến động nhanh, nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa có tiền lệ. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm và có dấu hiệu suy thoái ở nhiều quốc gia, khu vực; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công tiềm ẩn nhiều rủi ro; các vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, thông tin, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh hiện hữu, tác động, ảnh hưởng nặng nề.

Ở nước ta, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong của nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Áp lực lạm phát tăng cao; khó khăn về thanh khoản của nền kinh tế; tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu; giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, các dự án tồn đọng, cần phải tập trung xử lý, tháo gỡ. Đây là những vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ, dây chuyền, tác động qua lại lẫn nhau, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ… diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Vững vàng vượt sóng cả ảnh 2Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Vững tay chèo

Trước khó khăn, với phương châm “chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; với nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kiên định, kiên trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra; vừa nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế về chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, Chính phủ đề ra và tập trung thực hiện "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

"3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước.

"2 đẩy mạnh": đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch.

"1 tiết giảm" tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không": không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Theo đó, Chính phủ đã thành lập nhiều Tổ công tác để điều hành thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt chỉ đạo kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; giữ ổn định thị trường tiền tệ, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội; ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân.

Vững vàng vượt sóng cả ảnh 3Các phương tiện tham gia thi công thực hiện dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Quả ngọt

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và nhiều điểm sáng tích cực. Theo đó, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt trên 8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 21 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt. Trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,6%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, với tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ.

Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, định chế tài chính uy tín tiếp tục đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính và cách thức vượt qua các "cú sốc" từ bên ngoài để đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới toàn cầu 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương...

Đặc biệt, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực. Đặc biệt, ngày 6/9, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định". Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.

Cùng với phục hồi, phát triển kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố, nâng lên.

Trong đó, với phương châm, không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau, trong năm Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính phủ cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giảm nghèo bền vững được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm khoảng 1%, riêng các huyện nghèo giảm 4-5%...

Với quyết định mở cửa trở lại, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, Đoàn Việt Nam tham dự đạt nhiều huy chương và thành tích cao, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn, đầy sức sống, đang mạnh mẽ phục hồi tốt sau dịch bệnh. Hoạt động, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh; cảnh đìu hiu ở các bến tàu, nhà ga, khu du lịch nay đã không còn.

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, xử lý những vấn đề phát sinh, Chính phủ tiếp tục tập trung xử lý các công việc tồn đọng kéo dài, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài. Đến nay đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 5 ngân hàng thương mại yếu kém; có phương án xử lý đối với 5/12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài của ngành Công Thương; 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác đang được lên phương án xử lý. Đặc biệt, các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 đã đi vào hoạt động.

Vững vàng vượt sóng cả ảnh 4Thu hoạch cà phê ở vùng trồng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Vững tin đón cơ hội mới

Có được thành tựu đó, như Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ rõ, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ từng nói, để có được thành công cần bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, có phản ứng chính sách nhanh, phù hợp, hiệu quả; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đề cao trách nhiệm người đứng đầu...

Năm 2023 đã cận kề, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Nhưng những thành công của năm 2022 gieo vào lòng mỗi người một niềm tin cháy bỏng và với tâm thế vững vàng hơn để vượt qua thách thức đón cơ hội mới. Chúng ta tin tưởng, Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dệt nên những mùa xuân thắng lợi.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm