Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc

Sơn La là tỉnh miền núi đang đón đợt không khí lạnh, nhiều nơi vùng cao như các huyện Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu…trời rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đàn gia súc. Tuy nhiên, bằng sự chủ động từ sớm, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc đã được ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La và các địa phương quan tâm, triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc  ảnh 1Người dân chuẩn bị củi để sưởi ấm trong những ngày giá rét. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Cách đây hai tháng, trước khi bước vào thời tiết chuyển đông, huyện vùng cao Bắc Yên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương, nhất là địa bàn xã vùng cao thực hiện đồng bộ các biện pháp, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên Lê Đức Lợi thông tin, các xã vùng cao của huyện Bắc Yên có độ cao trung bình hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, do đó thời tiết thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc. Trước tình hình đó, hàng năm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn người dân trong công tác phòng, chống rét, cũng như dự trữ thức ăn để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại tối đa đối với đàn gia súc.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc  ảnh 2Anh Vừ A Ka, ở nhóm 4, tổ 11, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) che chắn chuồng trại để tránh rét cho vật nuôi. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Cùng với đó, trước thời điểm bước vào mùa rét từ 1 đến 2 tháng, huyện Bắc Yên đã tổ chức các cuộc tập huấn, thực hành kỹ năng tại chỗ và các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai cho gia súc như kỹ thuật bảo quản và chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc; kỹ thuật phòng chống rét bằng cách quây bạt, ủ ấm cho gia súc…

Anh Mùa A Thào, xã vùng cao Xím Vàng, huyện Bắc Yên cho biết, trước đây, các hộ chăn nuôi chưa biết cách nuôi nhốt gia súc tập trung, hay quây chuồng trại để ủ ấm cho trâu, bò. Do đó, tỷ lệ gia súc chết vào mùa đông cao. Nhưng nay được cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn cách dự trữ thức ăn cho gia súc, người dân đã hiểu và làm theo; đồng thời, không chăn thả rông trâu, bò vào mùa rét.

Cũng như Bắc Yên, Vân Hồ là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, hàng năm chịu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết mùa đông năm nay, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi gia súc là sinh kế chính của gia đình chị Ngần Thị Qui ở bản Suối Sấu, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ. Khi thời tiết chuyển sang mùa đông, cùng với các biện pháp che chắn chuồng trại, gia đình chị đã chuẩn bị cỏ ủ ướp và rơm khô để bổ sung thức ăn cho đàn gia súc.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc  ảnh 3Người dân nhóm 4, tổ 11, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi trong những ngày giá rét. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Chị Ngần Thị Qui chia sẻ, gia đình chị nuôi bò nên đã trồng cỏ voi xanh để làm thức ăn hàng ngày và dự trữ cỏ để mùa đông bò có thức ăn khi nuôi nhốt chuồng; đồng thời, khi trời rét thì che bạt xung quanh chuồng bò để cho ấm.

Còn với gia đình chị Vì Thị Lực ở bản Tầm Phế, xã Song Khủa, nuôi trâu, bò nhốt chuồng từ nhiều năm nay. Ngay từ tháng 8, gia đình chị đã chuẩn bị cỏ để ủ ướp và chủ động thức ăn (rơm, cám) cho đàn trâu, bò trong mùa đông. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên đàn gia súc của gia đình chị không bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết, UBND huyện Vân Hồ đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, khi mùa đông đến phải hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích luỹ cỏ, rơm và giữ ấm cho đàn gia súc. Đồng thời, tăng cường thông tin diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho gia súc trên địa bàn.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc  ảnh 4 Người dân nhóm 4, tổ 11, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (Sơn La) lắp đặt bóng điện để sưởi ấm cho vật nuôi. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Không chỉ Bắc Yên, Vân Hồ, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Sơn La bước vào mùa đông cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan. Trước thực trạng đó, các cơ quan chuyên môn tỉnh Sơn La đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét và bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại; đồng thời, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo từ sớm. Tính đến ngày 29/11, tỉnh Sơn La có đàn bò thịt đạt 377.227 con và đàn trâu đạt 116.257 con...

Theo ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, để chăn nuôi phát triển ổn định, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm, rét hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống đói, rét cho gia súc từ sớm; đồng thời, tập huấn kỹ năng chăn nuôi và đẩy mạnh trồng cây lương thực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc.

Với những kiến thức được trang bị cùng công tác cảnh báo, dự báo thời tiết, đã giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ động trong việc phòng, chống đói, rét cho gia súc. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại vật nuôi do thiên tai gây ra và thúc đẩy phát triển đàn gia súc bền vững.

Nguyễn Cường - Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm