Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên

Chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Xã Ayun chỉ cách trung tâm huyện Chư Sê chừng 19 km nhưng là xã đặc biệt khó khăn tỉnh Gia Lai. Ayun còn là vùng căn cứ cách mạng, dân số hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Ayun chiếm hơn 75%, đến cuối năm 2020 chỉ còn hơn 13%. Để giúp người dân Ayun thoát nghèo bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai đầu tư nhiều công trình nâng cấp cư sở vật chất, các dự án hỗ trợ sản xuất với mong muốn giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên trong cuộc sống như cách Ayun anh hùng chống giặc ngày xưa.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 1Già làng kể lại thời kỳ hoạt động cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ayun là căn cứ cách mạng, là nơi bộ đội trú ẩn, Ayun được ví tiêu biểu của một “An toàn khu” vững chắc trong thời chiến cho bộ đội ta. Xã Ayun được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 2010. Chiến tranh qua đi, vùng đất Ayun có 10 liệt sỹ, 5 thương binh, hơn 20 bệnh binh, 20 gia đình có công với cách mạng, ba trường hợp nhiễm chất độc hóa học... cùng nhiều gia đình bị ảnh hưởng của chiến tranh. Sau thời gian phục hồi những tổn thất do chiến tranh để lại, cuộc sống những ngày đầu giải phóng rất nghèo khó, nối tiếp bước cha ông kiên cường, diện mạo Ayun hôm nay đã ngày một thay da đổi thịt, nhờ sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước - như một lời tri ân với vùng đất cách mạng Ayun.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 2Ngôi nhà Rông truyền thông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên tại xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai vào tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở trước những khó khăn của người dân xã Ayun. Sau khi xem xét các đề xuất của địa phương, Tổng Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo tại xã Ayun; các bộ, ngành tính toán, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Gia Lai đẩy nhanh triển khai dự án, tạo điều kiện cho bà con có nước sinh hoạt, sản xuất góp phần đưa Ayun thoát nghèo. Công trình thủy lợi Plei Keo sau khi hoàn thành sẽ là một cú hích quan trọng đối với địa phương, tạo nguồn nước tưới cho 500 ha cây trồng, bao gồm 400 ha lúa và 100 ha hoa màu. Tổng Bí thư mong muốn Ayun sẽ không còn là xã đặc biệt khó khăn, người dân chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 3Đường dẫn đến khu sản xuất của xã Ayun được bê tông hóa, thuận tiện trong vận chuyển nông sản của người dân. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Luôn ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, người dân Ayun đã từng ngày thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, cộng với việc chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều nguồn lực để tạo đà, đặt nền tảng cho Ayun phát triển.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 4Hệ thống thủy lợi Plei Keo ngày một phát huy hiệu quả khi dẫn nước phục vụ sản xuất cho đồng ruộng lúa hai vụ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngay sau đó, UBND huyện Chư Sê đã thành lập Đề án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới cho xã Ayun, giai đoạn 2017-2020. Triển khai từ năm 2017, đến nay, Đề án đã hỗ trợ 25 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất nhằm giảm công sức lao động, tăng năng suất cây trồng; hỗ trợ gần 150 chiếc thuyền, hơn 700 tấm lưới đánh bắt cá cho các hộ dân khai thác thủy lợi; hơn 200 con bò cái giống; mở 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; cấp giống lúa, giống cây ăn quả, cây điều, phân bón cho hàng nghìn hộ dân trong xã. Nhờ áp dụng, hướng dẫn kỹ thuật từ ngành nông nghiệp, đề án còn mở rộng được hơn 30 ha cây ăn quả tại vùng đất khó này.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 5Trẻ em xã Ayun tập trung về nhà Rông chơi đùa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Già Đinh A Nhu, già làng của làng A Chông, xã Ayun cho biết, ngày trước, đời sống bà con khó khăn lắm. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, đời sống của người dân Ayun đã có nhiều khởi sắc. Nhiều chương trình cấp giống ngô lai, cấp bò giống sinh sản, các lớp dạy nghề lao động nông thôn đã thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Người dân Ayun giờ không còn canh tác bằng hình thức chọc tỉa mà đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất cao. Các hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư kiên cố hóa. Đặc biệt, bà con Ayun cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn Nhà nước đã đầu tư công trình thủy lợi Plei Keo để người dân có nước làm lúa hai vụ. Từ khi làm lúa hai vụ, người dân không còn thời gian nông nhàn, vừa có tiền đảm bảo cuộc sống, vừa không sinh ra các tệ nạn xã hội.

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, thu nhập của người dân xã Ayun có những bước đột phá đáng kể. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người là 10,52 triệu đồng, đến năm 2020 là 30,56 triệu đồng. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho lao động là người dân tộc thiểu số và giới thiệu việc làm phù hợp cho các đối tượng này sau khi kết thúc khóa học.

Ông Kpă Gôn, Trưởng thôn Vơng Chép, xã Ayun cho biết: "Từ khi thủy lợi Plei Keo dẫn nước về đồng ruộng, bà con làng mình phấn khởi lắm. Bà con đã làm lúa hai vụ, vụ Đông Xuân vừa rồi, lúa cho năng suất cao, nhiều gia đình có tiền dôi dư mua xe máy, ti vi, bà con vui lắm. Những gia đình chưa có kênh dẫn nước về ruộng đã biết áp dụng tưới tiết kiệm, chuyển đổi trồng các loại cây chịu hạn để tăng gia sản xuất. Thu nhập của người dân năm sau luôn cao hơn năm trước".

Ngoài các chương trình, dự án được thực hiện hàng năm, để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Chư Sê đã thực hiện nhiều dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như trồng thâm canh cây ngô; thâm canh cây cỏ VA06, cỏ Mulato II; cấp bò lai để cải tạo đàn bò bản địa. Từ khi có thủy lợi Plei Keo, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến ký hợp tác với hợp tác xã và người dân để trồng, phát triển cây dược liệu, cho thu nhập cao hơn các loại cây như sắn, mía trước đây.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 6Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, xã Ayun ngày một thay đổi, hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng được kiên cố hóa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Lê Đình Trọng, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên An An (Gia Lai) cho biết, Công ty đã khảo sát và quyết định cấp thí điểm giống cây bạc hà cho người dân xã Ayun trồng. Công ty sẽ hỗ trợ người dân về giống, phân bón và đảm bảo đầu ra không giới hạn. So với trồng các loại cây bản địa như sắn, mía một vụ trước đây, nguồn thu từ cây dược liệu sẽ cao hơn rất nhiều lần.

Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân Ayun ngày càng được nâng lên. Ông Đinh Huơl, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ làng Keo, xã Ayun cho hay, ngày trước đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc đến trường của con trẻ cũng hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Từ khi chính quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân Ayun được quan tâm hơn, trẻ con được ra lớp đầy đủ, đường làng, ngõ xóm có điện thắp sáng, bà con có nước sạch để sinh hoạt, có nhà văn hóa cộng đồng để tập trung giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Vùng căn cứ cách mạng Ayun thoát nghèo, từng bước đi lên ảnh 7Chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo bà Rmah H’Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, với những quyết sách trọng tâm, chính quyền địa phương quyết tâm đưa bà con Ayun thoát nghèo. Thời gian tới, huyện Chư Sê tiếp tục dồn mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho Ayun phát triển hơn nữa, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của Ayun. Minh chứng về sự thay đổi của Ayun được thể hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2016 xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí thì đến năm 2020 đã đạt 15/19 tiêu chí. Đến năm 2023, xã Ayun phấn đấu về đích nông thôn mới.

Từ một xã nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước, Ayun đề ra mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2023. Đây sẽ là bước bứt phá ngoạn mục của vùng căn cứ cách mạng Ayun. Sự đầu tư nguồn lực từ các cấp giúp Ayun đổi thay như hôm nay, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với vùng đất cách mạng Ayun kiên trung, bất khuất với mong muốn bà con thoát nghèo bền vững, từng bước phát triển đi lên.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm