Vũng bãi ngang gian nan nước sạch

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch

Khi chúng tôi nhờ hướng dẫn đến nhà các hộ dân chưa được lắp đồng hồ nước, anh cán bộ truyền thanh ở một xã bãi ngang ven biển U Minh Thượng (Kiên Giang) gãi đầu gãi tai: “Xuống đó, phải đi ghe, gian truân lắm…”. Giữa mùa mưa ở Miệt Thứ, câu chuyện nước sạch vẫn là chủ đề thời sự như bao đời nay của các cấp chính quyền và người dân trên dải đất nhiễm phèn, ngập mặn vùng bãi ngang ven biển Tây…

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 1Ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có 343 hộ dân sinh sống dọc 5 tuyến kênh, đến nay mới có gần 100 hộ dân có nước sạch sử dụng. Trong ảnh: Ấp Đồng Giữa nhìn từ trên cao. Ảnh: An Hiếu

Tỉnh Kiên Giang có 12 xã thuộc danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 của chính phủ, riêng vùng U Minh Thượng có đến 10 xã thuộc hai huyện An Biên (gồm 4 xã Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên và Tây Yên) và An Minh (gồm 6 xã Thuận Hòa, Đông Hưng A, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây và Tân Thạnh) với trên dưới 30.000 hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này.

Người dân hứng nước sạch tại trạm cấp nước sạch miễn phí ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Trong những năm qua, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn các xã bãi ngang vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) có nhiều khởi sắc, song một bộ phận cư dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước sạch và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo thống kê, hiện chỉ có trên dưới 50% hộ dân ở khu vực này được tiếp cận nước sạch, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt, nguồn nước sinh hoạt nhiễm phèn mặn, kể cả nguồn nước từ giếng bơm tay.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 3

Người dân uống nước trực tiếp từ trạm cấp nước sạch miễn phí ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Theo ông Tô Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, toàn huyện có gần 30.500 hộ, trong đó có 4 xã bãi ngang ven biển với tổng số 13.034 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm, cua… Trên địa bàn huyện hiện có có 5 trạm cấp nước tập trung, chỉ đảm bảo cung cấp nước sạch cho gần 10.000 hộ, đạt gần 33% dân số.

Do mặt nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nên một số nơi không khoan được giếng bơm tay. Thậm chí, ở một số địa bàn có Trạm cấp nước, người dân lại không có điều kiện kéo ống, lắp đồng hồ để sử dụng nước sạch. Những hộ chưa được tiếp cận nước sạch chủ yếu ở địa bàn nông thôn, vùng ven biển, địa bàn dân cư thưa thớt, sinh kế chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 4

Người dân vùng bãi ngang ven biển xã Tân Thạnh (huyện An Minh, Kiên Giang) đã có nguồn nước sạch sử dụng. Ảnh: Lê Sen

Ông Võ Văn Trường, người dân ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái cho biết thêm: Ở xứ ven biển người dân không sợ đói, chỉ lo thiếu nước ngọt sử dụng do nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn. Vào mùa khô, bà con nơi đây sử dụng nước rất tiết kiệm, dùng nước vo gạo để rửa chén, sau đó tưới rau. Do vậy, người dân rất mong được nhà nước đầu tư kéo đường ống nước sạch.Nhảy xe gắn máy, vượt qua những cây cầu nhỏ dốc dựng đứng và nhiều đoạn đường bê tông rộng trên dưới hai mét, chúng tôi đến ấp Đồng Giữa (Nam Thái, An Biên), địa bàn dân cư điển hình ở Miệt Thứ với cư dân phân bố dọc theo 5 tuyến kênh.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 5Máy lọc nước phục vụ nhu cầu nấu nướng, sinh hoạt tại gia đình bà Thị Sảnh, dân tộc Khmer ở ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Theo ông Lê Thanh Phê, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đồng Giữa, toàn ấp có 343 hộ dân nhưng mới chỉ có gần 100 hộ ở ven kênh Thứ 6 được lắp đồng hồ, có nước sạch sử dụng; còn lại gần 250 hộ ở 4 tuyến kênh Dân Quân, Mười Đò, Hai Mít và Chín Mẹo chưa có nước sạch. Ở đây, bà con dùng lu chứa nước mưa hoặc đổi nước từ nơi khác như bao đời nay, rất vất vả. “Miệt này nước mặn, nhiễm phèn, khoan giếng cũng có chỗ được, chỗ không. Nước ở đây nhiều phèn, không uống được, chỉ dùng giặt giũ. Vô mùa thắt ngặt, nắng hạn gay gắt, nước nôi căng lắm. Họp Hội đồng Nhân dân xã kỳ nào, bà con cũng kiến nghị lắp đồng hồ nước”, ông Lê Thanh Phê chia sẻ.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 6Công trình cấp nước sạch miễn phí trị giá 800 triệu đồng do ca sĩ Thủy Tiên lắp đặt tặng người dân ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), vận hành từ tháng 4/2020, phục vụ khoảng 250 hộ dân trên địa bàn. Ảnh: An Hiếu

Chung tay đưa nước sạch về với đồng bào

Cùng thuộc vùng U Minh Thượng nhưng chuyện nước sạch và nước sinh hoạt đối với bà con vùng ven biển gian nan hơn nhiều so với người dân bên kia kênh xáng Xẻo Rô, nơi nguồn nước không bị nhiễm mặn, mạch nước ngầm có chất lượng nước tốt hơn rất nhiều. Để giảm bớt khó khăn về nước sạch và nước sinh hoạt cho người dân ở các xã bãi ngang ven biển Miệt Thứ, hai năm trước, UBND tỉnh Kiên Giang đã đầu tư trên 80 tỷ đồng xây dựng Hệ thống cấp nước liên xã khu vực An Biên đặt tại ấp 3 Biển (xã Nam Yên) để cung cấp nước sạch cho người dân trong vùng với công suất thiết kế lên đến gần 3.000m3/ngày đêm.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 7

Việc trữ nước trong 6 tháng mùa mưa để dùng dần trong 6 tháng mùa khô trở thành thói quen của người dân vùng bãi ngang ven biển vùng U Minh Thượng, nên bà con rất cần các phương tiện trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trong ảnh: Người dân trữ nước bằng lu để phục vụ sinh hoạt hàng ngày ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Theo ông Ngô Tấn Quý, Trưởng hệ thống cấp nước khu vực 11 thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Kiên Giang, theo thiết kế ban đầu, Hệ thống cấp nước liên xã khu vực An Biên có công suất thiết kế chỉ 2.900 m3/ngày đêm với tổng chiều dài tuyến ống hơn 225km, đảm bảo cung cấp nước sạch cho bà con ở các xã ven biển trên địa bàn huyện An Biên.

Tuy nhiên, do nhu cầu bức thiết của người dân, kể từ khi đưa vào vận hành từ đầu năm 2018 đến nay, Hệ thống cấp nước liên xã khu vực An Biên đã mở rộng tuyến ống dài 230 km, cung cấp nước sạch cho trên 5.860 hộ thuộc 6 xã Nam Yên, Tây Yên, Tây yên A, Nam Thái, Nam Thái A và Đông Thái. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã lắp đặt thêm 1.000 đồng hồ nước trong kế hoạch mở rộng tuyến ống đến 2.400 hộ dân trong năm 2020.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 8

“Trước nhu cầu cấp thiết của các hộ dân trên địa bàn các xã, UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, lắp đặt hệ thống nước sạch cho các tuyến dân cư có nhu cầu, đặc biệt là những nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy vẫn còn 5.660 hộ dân với gần 193 km đường ống ở huyện có nhu cầu lắp đặt đường nước sạch. UBND huyện đã lập tờ trình lên Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện” - Ông Tô Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Ngoài 50 tuổi, bà Hồ Thị Hoa, ở ấp 3 Biển (xã Nam Thái, An Biên) đã nếm trải hết vị chua, mặn, ngọt của… nước vùng này qua các thời kỳ: Từ việc trữ nước mưa, tới rửa ghe đi chở nước, đổi nước, mua nước, rồi khoan cây nước... Giờ, có nước sạch dẫn đến nhà, bà Hoa hồ hởi: “Nước nôi bây giờ ngon lành rồi, mở vòi là có, đầy đặn, đều đều, chất lượng. Hồi đó, dân miệt này nhà xài cây nước, nhà chứa nước mưa. Hết nước phải đi xách, đi đổi xa lắm. Có khi kẹt quá, phải lấy nước giếng nấu cơm, vị mặn mặn. Đem kho cá, ta nói khỏi nêm muối luôn. Nói thiệt, hồi đó mấy chú lại nhà, xin cơm tui cho, chứ xin nước tui hổng cho đâu”.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 9Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, đến nay, Hệ thống cấp nước liên xã khu vực An Biên đã cung cấp nước sạch vượt công suất thiết kế. Ảnh: An Hiếu

Do đặc điểm phân bố dân cư phân tán, hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn đã khai thác hết công suất, trước nhu cầu cấp thiết của người dân trong bối cảnh ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, cá nhân, tổ chức đã vào cuộc, chung tay đưa nước sạch về với người dân vùng bãi ngang U Minh Thượng.

Trong đợt cao điểm hạn mặn đầu năm 2020 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Kiên Giang đã hỗ trợ 4.000 bồn chứa nước dung tích 1.000 m3 cho các hộ dân bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn các xã ven biển Miệt Thứ; trong đó, 40% là đồng bào dân tộc Khmer. Cũng trong thời gian này, nhiều mạnh thường quân đã trực tiếp đến khảo sát, đầu tư lắp đặt các điểm đặt máy lọc nước sạch trị giá hàng trăm triệu đồng, cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân ở các cụm dân cư trên địa bàn các xã ven biển thuộc hai huyện An Minh và An Biên.

Vũng bãi ngang gian nan nước sạch ảnh 10

Nhân viên Hệ thống cấp nước liên xã khu vực An Biên lắp đồng hồ nước cho người dân ở ấp Thứ Nhứt, xã Tây Yên, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai lắp đặt bồn nhựa có dung tích 1m3 cho các hộ dân ở xa hệ thống cấp nước, Trung tâm đang khẩn trương hoàn thành công trình hồ chứa nước rộng 27ha phục vụ sinh hoạt và sản xuất khu vực huyện An Minh với trữ lượng nước theo thiết kế lên đến 700.000 m3 đặt tại xã Vân Khánh Đông. Tại huyện An Biên, Trung tâm đang triển khai dự án mở rộng Trạm cấp nước xã Nam Thái, nâng công suất lên gấp 3 lần so với trước đây; đồng thời, tiếp tục triển khai lắp hơn 1.400 đồng hồ nước cho các hộ dân từ hệ thống cấp nước liên xã An Biên, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trước mùa khô sắp tới.

“Qua khảo sát sơ bộ, hiện có khoảng 6.000 hộ dân ở các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn huyện An Biên có nhu cầu sử dụng nước sạch; trong khi hệ thống cấp nước hiện tại đã khai thác hết công suất, vượt 2.000 đồng hồ nước so với thiết kế ban đầu. Trước nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, Trung tâm đã đăng ký vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, kiến nghị mở rộng quy mô hệ thống cấp nước liên xã An Biên với kinh phí đề xuất lên đến 40 tỷ đồng”, Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Nhu Giang - Lê Sen - An Hiếu

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm