Vui hội Pang Phoóng với người Kháng

“Peng chẹp kha” là đồ vật hình chữ A được đan từ lạt, để đại diện cho chủ hộ trong dòng họ về dự lễ. Ảnh: Phan Tuấn Anh
“Peng chẹp kha” là đồ vật hình chữ A được đan từ lạt, để đại diện cho chủ hộ trong dòng họ về dự lễ. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, cứ 3 - 4 năm một lần, thường vào các tháng 10, 11, 12 (âm lịch), đồng bào dân tộc Kháng ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng. Lễ hội này bắt nguồn từ sự tích xa xưa còn lưu truyền về chuyện tình dang dở giữa một chàng trai và một nàng vượn hóa thân thành cô gái; gửi gắm thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời nay về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vui hội Pang Phoóng với người Kháng ảnh 1“Peng chẹp kha” là đồ vật hình chữ A được đan từ lạt, để đại diện cho chủ hộ trong dòng họ về dự lễ. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Vào ngày chính hội, trưởng họ mời thầy cúng làm lễ báo tổ tiên, mời tổ tiên về dự lễ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt... Sau nghi thức khai báo, thầy cúng lấy chum rượu cần, cầm “Peng chẹp kha” (là đồ vật hình chữ A làm từ dây lạt) vẩy rượu từ trong chum sứ ra ngoài với ý nghĩa mời rượu tổ tiên. Đại diện các gia đình làm theo, vừa làm vừa khấn những điều may mắn, tốt đẹp. Tiếp theo, thầy cúng và gia chủ tiến hành làm lễ ngoài trời.

Vui hội Pang Phoóng với người Kháng ảnh 2Điệu nhảy “Xé Pang” của đồng bào dân tộc Kháng trong dịp lễ hội. Ảnh: Phan Tuấn Anh
Vui hội Pang Phoóng với người Kháng ảnh 3Nghi thức gõ chiêng mời tổ tiên, ông bà về tham dự lễ hội Pang Phoóng cùng các con cháu. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Các nghi thức kết thúc, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc, thưởng thức rượu cần. Bữa cơm diễn ra trong sự ấm cúng, vui vẻ của cả dòng họ. Đây cũng là dịp để mọi thành viên trong dòng họ nhắn gửi trao truyền cho nhau những tình cảm yêu thương, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Kết thúc bữa tiệc, mọi người cùng nhau vui chơi lễ hội.

Xuân Tiến

(DTMN)
Dân tộc Kháng Dân tộc Kháng

Tên tự gọi: Mơ Kháng.

Tên gọi khác: Háng, Brển, Xá.

Nhóm địa phương: Kháng Dẩng, Kháng Hoặc, Kháng Dón, Kháng Súa, Ma Háng, Bư Háng, Ma Háng Bẻng, Bư Háng Cọi...

Dân số: 13.840 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Họ nói thạo tiếng Thái.

Lịch sử: Người Kháng là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc nước ta.

Hoạt động sản xuất: Nương rẫy là hình thái kinh tế chủ đạo với cách thức phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Có thể phân thành 3 nhóm:

Nhóm sống du canh du cư: làm rẫy.

Nhóm du canh bán định cư: làm rẫy kết hợp làm ruộng.

Nhóm định canh định cư: làm ruộng kết hợp làm rẫy. Tập quán trồng lúa nếp kết hợp trồng ngô, sắn, vừng... Chăn nuôi khá phát triển: lợn, gà, vịt, trâu, bò. Nghề phụ nổi tiếng là đan lát đồ gia dụng (hòm, ghế mây, mây, gùi...) Người Kháng giỏi đóng và đi thuyền độc mộc, thuyền đuôi én. Thuyền của họ đóng được các dân tộc anh em ưa mua dùng.

Ăn: Người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua, cay như: cá ướp chua, dưa lá củ ráy ngứa, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hoà trộn, đồ chín. Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hóa độc đáo của họ. Người Kháng quen uống rượu trắng, rượu cần, hút thuốc lá và hút thuốc lào.

Mặc: Người Kháng ăn mặc giống người Thái.

: Nhà ở có 2 dạng: nhà tạm bợ và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang nên xuống.

Phương tiện vận chuyển: Gùi có dây đeo qua trán, thuyền đuôi én.

Quan hệ xã hội: Nằm trong sự quản lý của các mường Thái trước đây, Người Kháng không có tổ chức xã hội riêng. Chức dịch cao nhất trong bản là: quan cai gần như Tạo bản người Thái. Trong các bản người Kháng đã có sự phân hoá giàu nghèo.

Tiểu gia đình phụ quyền chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu... Trưởng họ vẫn có vai trò nhất định.

Cưới xin: Ngày xưa, việc lấy vợ, lấy chồng của người Kháng vừa tự do vừa phải qua nhiều nghi thức. Sau bốn năm đêm tìm hiểu ngủ lại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì tiến hành ăn hỏi và rất nhiều nghi thức mà đôi trẻ và hai bên nhà trai nhà gái phải thực hiện. Sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới tổ chức đón dâu. Ðây là lễ quan trọng nhất.

Ma chay: Người Kháng có tục chia của cho người chết gồm: chăn, đệm, dao, bát, đĩa, hòm đựng quần áo, ống nước, giỏ xôi... và những gì khi còn sống người quá cố thường dùng. Tất cả những lễ vật này được đặt phía trên đầu mộ. ở phía đầu mộ còn chôn một cái cột cao, trên đó buộc treo một hình con chim bằng gỗ và một cái áo mà người chết thường mặc. Sau khi chôn xong, về đến nhà, anh em, bà con phải đứng dưới gầm sàn để ông cậu cắt một nhúm tóc bỏ vào bát nước lã đựng trứng, cá sấy khô rồi đem vứt ở vệ đường vào bãi tha ma để hồn người chết không về quấy rối con cháu, người thân.

Thờ cúng: Họ tin rằng con người có 5 hồn. Một hồn chính ở trên đầu bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi "ăn". Người ta còn tin nhiều loại ma khác như: ma suối, ma bản... Người Kháng thờ ma bố và có tục thờ ma mẹ. Việc cúng bố mẹ được tiến hành 3 năm một lần. Ðây là lễ vui nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó xoè, múa thâu đêm.

Lễ tết: Người Kháng ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới và thực hiện các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nương rẫy.

Văn nghệ: Những làn điệu dân ca của người Kháng thường phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người biết hát các bài hát, áng thơ của người Thái, thuộc nhiều tục ngữ ca dao.

vna_potal_van_hoa_soi_duong_tai_hien_le_ta_on_cua_dan_toc_khang_6521105.jpeg
Tiết mục múa Tăng Bu của dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm