Vụ phá rừng hương cổ thụ tại Gia Lai: Thiệt hại gần 20 m3 gỗ​

Một cây hương cổ thụ bị chặt hạ tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Một cây hương cổ thụ bị chặt hạ tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Sau khi tiếp nhận tin báo về vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại Tiểu khu 90 lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý (thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện KBang), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện KBang đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường và truy xét đối tượng.

Vụ phá rừng hương cổ thụ tại Gia Lai: Thiệt hại gần 20 m3 gỗ​ ảnh 1Các đối tượng ra đầu thú tại Công an huyện KBang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 cây gỗ bị chặt hạ trái phép gồm: 4 cây gỗ Hương và 1 cây gỗ Bằng lăng với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 19,452 m3 và 0,38 ster củi.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 2 ngày, Công an huyện Kbang đã xác minh, vận động 3 đối tượng ra đầu thú gồm: Triệu Văn Thực (sinh năm 1994, trú tại Thôn 4, xã Sơ Pai, huyện KBang), Chu Thanh Hùng (sinh năm 1985, trú tại Thôn 4, xã Đông, huyện Kbang) và Đặng Trung Hiếu (sinh năm 1992, trú tại thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện KBang).

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện KBang đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với 3 đối tượng để củng cố hồ sơ, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ phá rừng hương cổ thụ tại Gia Lai: Thiệt hại gần 20 m3 gỗ​ ảnh 2Một cây hương cổ thụ bị chặt hạ tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Trước đó, ngày 23/11, TTXVN đưa tin lực lượng chức năng của huyện KBang vừa bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến vụ cưa hạ rừng hương cổ thụ trên địa bàn xã Krong. Xét thấy vụ việc có yếu tố hình sự, lực lượng chức năng địa phương đã nhanh chóng báo cáo, điều tra hiện trường và truy tìm dấu vết các đối tượng vi phạm.

Trên địa bàn xã Krong hiện còn khoảng 300 cây gỗ hương nằm rải rác trên 27 khoảnh của 7 tiểu khu trong khu vực có diện tích hơn 8.000 ha với địa hình phức tạp. Các cây gỗ hương quý giá này đang được địa phương ra sức bảo vệ nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực nhạy cảm, thu hút nhiều lâm tặc.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm