Vụ nổ lớn nhất từng được quan sát trong vũ trụ "làm khó" các nhà thiên văn học

Vụ nổ lớn nhất từng được quan sát trong vũ trụ "làm khó" các nhà thiên văn học

Ngày 12/5, các nhà thiên văn học cho biết đã xác định được một vụ nổ “lớn nhất” vũ trụ từ trước đến nay, tạo ra quả cầu lửa có kích thước gấp 100 lần so với Hệ Mặt Trời được phát hiện lần đầu hơn 3 năm trước.

Vụ nổ có tên gọi AT2021 lwx không phải là vụ nổ sáng nhất trong lịch sử vũ trụ khi kỷ lục này thuộc về vụ bùng phát tia gamma hiếm có tháng 10/2022 được gọi là BOAT (viết tắt của cụm từ "Sáng nhất mọi thời đại" trong tiếng Anh). Tuy nhiên, nhà vật lý thiên văn học Đại học Southampton (Anh), Philip Wiseman - trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định AT2021 lwx là vụ nổ lớn nhất vũ trụ khi trong 3 năm qua, vụ nổ đã giải phóng nhiều năng lượng hơn cả năng lượng mà BOAT giải phóng.

Ông Wiseman cho biết đây là một “phát hiện tình cờ”. Vào năm 2020, trạm nghiên cứu vũ trụ Zwicky Transient ở California, Mỹ lần đầu phát hiện AT2021 lwx trong một lần quét tự động. Nhưng phải đến năm 2021, các nhà nghiên cứu mới chú ý đến vụ nổ khi xem xét cơ sở dữ liệu quan sát. Và cũng phải cho đến khi sử dụng những kinh thiên văn chất lượng cao hơn, các nhà thiên văn học, bao gồm Wiseman, mới có thể tìm hiểu rõ hơn về thứ mà họ đang nghiên cứu. Theo đó, bằng cách phân tích các bước sóng ánh sáng khác nhau, các nhà thiên văn học phát hiện rằng vụ nổ xảy ra ở một điểm cách Trái Đất khoảng 8 tỷ năm ánh sáng, xa hơn nhiều so với hầu hết các tia sáng mới phát hiện khác trên bầu trời và được ước tính sáng hơn 2.000 tỷ lần so với Mặt Trời.

Các nhà thiên văn học cũng tìm cách lý giải cho hiện tượng này. Một trong số đó cho rằng AT2021lwx có thể là 1 ngôi sao đang phát nổ nhưng với cường độ sáng gấp 10 lần so với các vụ nổ “siêu tân tinh” trước đây. Số khác nhận định đây là một phần của hiện tượng “hố đen dùng bữa” khi một ngôi sao bị phân mảnh và hút vào một hố đen khổng lồ. Song Wiseman không đồng ý với những giả thuyết này khi nghiên cứu của ông chỉ ra rằng AT2021lwx vẫn sáng gấp 3 lần so với những sự kiện nêu trên.

Một giả thuyết khác được nhắc tới rằng đây có thể là hiện tượng “chuẩn tinh” khi các hố đen siêu lớn nuốt chửng một lượng khí khổng lồ ở trung tâm các thiên hà. Tuy nhiên, ông Wiseman cho rằng ánh sáng phát ra từ hiện tượng này thường nhấp nháy trong khi AT2021lwx vẫn đang rực sáng sau 3 năm. “Đây là điều chúng tôi chưa bao giờ được chứng kiến. Mọi thứ cứ như xuất hiện từ hư không” - Wiseman nhận định.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, các nhà nghiên cứu quốc tế cũng đặt ra giả thuyết được cho là có cơ sở nhất về sự xuất hiện của AT2021lwx, theo đó cho rằng vụ nổ này xuất hiện khi một đám mây bụi khí khổng lồ, ước tính lớn gấp 5.000 lần so với Mặt Trời, dần bị một siêu lỗ đen nuốt chửng. Tuy nhiên, ông Wiseman cho rằng “không có gì là chắc chắn trong khoa học”, vậy nên nhóm nghiên cứu của ông đang làm việc trên nhiều mô phỏng để kiểm nghiệm giả thuyết nêu trên. Các nhà thiên văn học thế giới cũng đang tích cực quan sát bầu trời để tìm kiếm các vụ nổ tương tự có thể bị bỏ sót.

Mai Nguyễn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm