Vốn vay chính sách là "cứu cánh" cho người nghèo

Vốn vay chính sách là "cứu cánh" cho người nghèo
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đức Bình Đông, huyện miền núi Sông Hinh vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đức Bình Đông, huyện miền núi Sông Hinh vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập - TTXVN

Tính đến ngày 31/8/2017, tức là sau 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Sóc Trăng hiện đạt con số hơn 3.015 tỷ đồng, tăng 2.962 tỷ đồng, gấp 56 lần so với 15 năm trước; trong đó, nguồn vốn từ Trung ương chuyển về chiếm 93,8%, vốn huy động đạt trên 130 tỷ đồng, chiếm gần 4,4%.

Từ nguồn vốn huy động được, trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng mới theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh, huyện ủy thác thực hiện… với tổng doanh số cho vay đạt 5.627 tỷ đồng cho trên 471.000 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 2.676 tỷ đồng và như vậy, tổng dư nợ của Chi nhánh hiện đạt hơn 3.001 tỷ đồng với trên 156.000 khách hàng được vay vốn, tăng so với thời điểm mới thành lập hơn 2.948 tỷ đồng, tương đương với gấp 55 lần thời điểm năm 2002.
Trong số hơn 471.000 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ những năm qua, không ít hộ đã coi nguồn vốn vay này như “cứu cánh” hay như cái “phao” để họ bơi được, đứng vững và vươn lên thoát nghèo. Thống kê cho thấy, từ nguồn vốn vay này, đã có 124.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới trên 123.000 lao động; trong đó, có trên 1.600 người đi lao động ở nước ngoài; giúp hơn 44.000 lượt học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; hơn 50.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch hợp vệ sinh; xây 26.000 căn nhà cho hộ nghèo; trên 45.000 lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh…
Nhiều mô hình, dự án làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách xã hội như mô hình nuôi lợn, nuôi trâu, bò thịt, bò sữa, dê, gà thả vườn, nuôi cá, tôm, ba ba, hay mô hình trồng cam quýt, trồng màu, rau sạch; vay vốn buôn bán, sản xuất kinh doanh nhỏ… đã được người dân áp dụng thực hiện có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh, trả lãi, vốn đúng hạn để tiếp tục được Chi nhánh cho hộ khó khăn khác vay phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm