Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thoát nghèo

Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thoát nghèo
Đàn bò từ nguồn vốn chính sách giúp gia đình anh Siu Chbai ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai thoát khỏi cảnh nợ nần. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Đàn bò từ nguồn vốn chính sách giúp gia đình anh Siu Chbai ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai thoát khỏi cảnh nợ nần. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Hiệu quả mang lại từ nguồn vốn này đã giúp cho hơn 95.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo; thu hút và tạo viêc làm cho hơn 20.000 lao động; trong đó, gần 600 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 4.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đồng thời, xây mới hơn 9.200 căn nhà cho hộ nghèo và gần 29.500 công trình nước sạch, vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn... đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Kpă Ngun, Phó chủ tịch huyện Krông Pa cho biết, Krông Pa là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với hơn 4.800 hộ, chiếm tỷ lệ 26,4%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 90%. Nguồn vốn chính sách đến địa phương là rất thiết thực, được đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng và tiếp cận một cách nghiêm túc. Qua đó, giúp bà con thay đổi nhận thức hướng đến cách thức sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen vùng nông thôn.

Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, hệ thống Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân và có sự giám sát của chính quyền địa phương. Cụ thể, đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 100% xã, phường, thị trấn để phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân, hạn chế các tiêu cực phát sinh, tiết giảm chi phí đi lại của người vay.

Ngoài ra, tất cả các thôn, làng, tổ dân phố đều đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn thường xuyên được củng cố, là bộ phận nối dài của ngân hàng đến cơ sở nhằm đưa vốn tính dụng chính sách đến tận tay người nghèo một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Năm 2013, sau khi được được Hội phụ nữ xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa và tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hlil 1 tuyên truyền về chủ trương chính sách cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất, Ksor H Plô đã mạnh dạn xin gia nhập vào tổ và được vay 30 triệu đồng theo tiêu chuẩn hộ nghèo. Sau khi có vốn, H Plô sử dụng 20 triệu đồng mua 2 bò, 10 triệu còn lại mua giống trồng 2 ha sắn và phân bón chăm sóc 8 sào lúa nước. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đến cuối năm 2017, từ các khoản tiền tiết kiệm, nguồn thu từ rẫy sắn và bán 2 bò con, gia đình H Plô đã trả hết khoản nợ đến hạn 30 triệu đồng, còn dư lại một ít sửa chữa lại căn nhà chuẩn bị cho con lập gia đình.

Ksor H Plô chia sẻ, sau khi trả hết số tiền đã vay, gia đình được tổ tiết kiệm vay vốn tiếp tục bình xét cho vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 12 triệu đồng để làm công trình vệ sinh và cải tạo hệ thống nước sạch sinh hoạt. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế được cải thiện không phải vay nợ, mua gạo nợ như trước đây nữa, con tôi được đên trường đi học như bao đứa trẻ khác.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không những giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen vùng nông thôn.

Cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, nguồn vốn tính dụng chính sách đã tiếp thêm động lực để tỉnh Gia Lai giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2015 từ 23,73% xuống còn 11,36% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số giảm từ 35,7% còn 31,75%); giai đoạn 2016 - 2017 từ 19,71% xuống còn 13,34% (tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số giảm từ 40,1% còn 27,76%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3 - 4%, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp có hiệu quả với các sở, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn để thực hiện tốt các chính sách xã hội. Đồng thời, tập trung rà soát số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở từng địa bàn để mở rộng cho vay kịp thời, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, không để người nghèo thiếu vốn sản xuất.

Mặt khác, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động người nghèo mạnh dạn vay vốn làm ăn, kết hợp với khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay. Điều này đảm bảo hộ nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vươn lên thoát nghèo, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm