Vĩnh Phúc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp

Vĩnh Phúc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp
Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn, tu bổ các di tích ở Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, ý thức bảo vệ, duy trì các giá trị văn hóa còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự quan tâm, tăng cường hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Ban Quản lý di tích và ý thức mỗi người dân.

Đình Đông Dạo, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng năm Nhâm Thân (1572), đời vua Lê Anh Tông, có niên đại hơn 400 năm. Đình thờ Bạch Hạc Tam Giang Thống chế Tôn thần, là người có công lớn hộ quốc, giúp dân. Hiện ngôi đình này còn lưu giữ những nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ. Năm 1994, đình Đông Đạo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đình Đông Dạo, thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng năm Nhâm Thân (1572), đời vua Lê Anh Tông, có niên đại hơn 400 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Đình Đông Dạo, thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng năm Nhâm Thân (1572), đời vua Lê Anh Tông, có niên đại hơn 400 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Trải qua hàng trăm năm, với những thăng trầm của lịch sử, mưa nắng của thời gian, ngôi đình đã bị xuống cấp mặc dù nhiều lần đã được các cấp, các ngành và bà con nhân dân đầu tư, quyên góp, ủng hộ để tu sửa, tôn tạo.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đông Đạo cho biết: Toàn bộ ngôi đình được làm bằng gỗ, qua thời gian bị mối mọt xâm hại, các đốc đình, mái đình đều đã ngả, nứt, trũng xuống. Các cột quân, xà nối đều hỏng, mọt rỗng bên trong. Mái ngói xê dịch, vỡ nát, thường xuyên bị dột, thấm khi trời mưa và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trước nguy cơ đình có nguy cơ đổ sập, Ban Ban Quản lý di tích đình Đông Đạo đã dùng các cột sắt chống đỡ các cột và phần mái để đảm bảo an toàn cho đình, cùng với đó Ban Quản lý di tích đình Đông Đạo đã di chuyển toàn bộ đồ thờ xuống nhà ngang để thực hiện việc thờ cúng. Đình Đông Đạo hiện được đóng cửa, chờ sửa chữa.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, để bảo tồn di tích đình Đông Đạo, ngày 20/3/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định đầu tư tu bổ di tích với tổng mức đầu tư hơn 19 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,6 tỉ đồng. Hơn 15,8 tỉ đồng còn lại từ ngân sách phường Đồng Tâm thông qua việc đấu giá sử dụng đất của phường cho dự án. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, số vốn đầu tư cho tu bổ khá lớn, trong khi việc quy hoạch đất để bán đấu giá phục vụ cho việc tu bổ đình còn gặp khó khăn. Việc thực hiện đầu tư tu bổ đình Đông Đạo vẫn chưa thể thực hiện ngay.

Tương tự, đình Tiên Non, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010. Đình Tiên Non được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII, bên bờ tả sông Cà Lồ thuộc thôn Tiên Non, làng Thịnh Kỷ, tổng Bạch Trữ, phủ Yên Lãng xưa (nay là thôn Tiên Non, xã Tiền Châu, Phúc Yên). Đình thờ Thánh Trương Tam Giang, Vũ Đồng Thần Vương và Long Cung Công chúa. Mặc dù đã được người dân tích cực bảo vệ nhưng dưới tác động của thiên nhiên, ngôi đình này đã bị hư hỏng hoàn toàn và đổ sập, buộc người dân phải di chuyển đồ thờ cúng để nhờ nhà văn hóa thôn.

Đình Tiên Non, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010 đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
 Đình Tiên Non, xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010 đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Năm 2016, đình Tiên Non được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tu bổ nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Nguyên nhân là do đơn vị tư vấn trong quá trình làm thủ tục hồ sơ, bản vẽ thiết kế thi công không đảm bảo chất lượng, phải làm lại khiến thời gian khởi công xây dựng đình bị kéo dài. Bên cạnh đó, kinh phí xây dựng đình khá lớn, khoảng 4 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp; cơ chế hỗ trợ của tỉnh chỉ được 300 triệu đồng, người dân trong thôn đóng góp thêm khoảng 500 triệu đồng nên vẫn chưa thể triển khai xây dựng.

Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.303 di tích, trong đó, có 472 di tích đã được xếp hạng (hai di tích quốc gia đặc biệt, 66 di tích cấp quốc gia, 404 di tích cấp tỉnh). Hầu hết các nguồn thu từ di tích đều do tiểu ban quản lý di tích và chính quyền thôn nơi có di tích quản lý, sử dụng vào việc tu sửa di tích, xây dựng các công trình phụ trợ và mua sắm thêm đồ thờ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Ông Dương Văn Minh, Phó Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong số 472 di tích đã được xếp hạng có 17 di tích cấp quốc gia đang xuống cấp; 14 di tích quốc gia đang xuống cấp nghiêm trọng; 52 di tích cấp tỉnh đang xuống cấp và 41 di tích cấp tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Trước thực trạng các di tích lịch sử ngày càng xuống cấp, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng và toàn thể nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích. Đồng thời, huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân để tu bổ, tôn tạo các di tích. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện, trung bình mỗi năm, tỉnh Vĩnh Phúc có từ 10 - 20 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa, trong đó, nhiều di tích có 100% kinh phí tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các di tích lịch sử văn hóa, trong đó đặc biệt là các di tích, cụm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh... qua đó giới thiệu với khách thập phương trong và ngoài tỉnh khi về với Vĩnh Phúc hiểu hơn lịch sử truyền thống, văn hóa lịch sử của Vĩnh Phúc.
Nguyễn Thị Thảo 

Có thể bạn quan tâm