Vĩnh Phúc thêm nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Vinh Phuc them nhieu giai phap xay dung nong thon moi nang cao hinh anh 1Cánh đồng xã Yên Bình huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Năm 2022, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 60 thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và các huyện: Tam Dương, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô hoàn thành các tiêu chí, đề nghị thẩm định huyện nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; ban hành Quyết định về phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành phụ trách hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; quy định về thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với các dự án áp dụng cơ chế đặc thù; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm; đặc biệt là việc triển khai các chương trình OCOP..., phát triển ngành nghề nông thôn để tạo ra công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân đang được tỉnh quan tâm..

Hiện Vĩnh Phúc có 61 sản phẩm được chứng nhận Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt hạng 3 sao; trong đó, 17 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống và 478 hợp tác xã; trong đó, 235 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc đang đà đổi mới mạnh mẽ vì các ngành nghề đang phát triển nhanh, mặt khác tỉnh đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn để làm thay đổi cuộc sống người dân ở đây.

Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới, nhất là nông thôn mới nâng cao ở tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, cả 5 huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Yên Lạc, Tam Đảo mới đạt 2/4 điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 10/10 xã mới đạt từ 9-15 chỉ tiêu/19 tiêu chí.

Cụ thể, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô đạt 9/19 tiêu chí; các xã: Xuân Lôi, Bắc Bình, Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đạt lần lượt là 11, 12, 10 tiêu chí; xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương đạt 15 tiêu chí; 2 xã: Trung Kiên, Đại Tự, huyện Yên Lạc đạt 10, 12 tiêu chí và các xã: Tân Phú, Bình Dương, Cao Đại, huyện Vĩnh Tường đạt lần lượt 10, 9, 11 tiêu chí.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, hiện nay quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương gặp khó khăn về vốn, một số tiêu chí mới được bổ sung trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 khó thực hiện vì tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 40%, có Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các tiêu chí về môi trường sống… Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí hạ tầng kinh tế- xã hội trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Vĩnh Phúc triển khai thực hiện các dự án cấp nước sạch. Các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô sẽ rà soát, đánh giá và đề ra giải pháp thực hiện đối với tiêu chí huyện nông thôn mới chưa đạt chuẩn theo quy định. UBND các huyện, thành phố cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách huyện để hỗ trợ địa phương thực hiện tiêu chí hạ tầng – xã hội.

Vĩnh Phúc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sách từ công trình cấp nước tập trung trong duy trì, đạt chuẩn nông thôn mới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án thí điểm xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô cấp thôn, xóm theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2023. Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí về giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...

Nguyễn Trọng Lịch

Tin liên quan

Tam Đảo - Thị trấn điểm đến hàng đầu Thế giới năm 2022

Chiều 2/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND huyện Tam Đảo tổ chức công bố Giải thưởng du lịch “Tam Đảo - Thị trấn điểm đến hàng đầu Thế giới” năm 2022. Đây là giải thưởng được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh tại Gala chung kết trao giải du lịch Thế giới lần thứ 29 diễn ra ngày 11/11/2022 tại Oman.


Hướng phát triển bền vững cho sản phẩm từ bò sữa

Tận dụng nguồn nguyên liệu sữa bò thô tại địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Vĩnh Phúc đã được thành lập để thu mua, chế biến, tạo ra các sản phẩm chất lượng mang thương hiệu sữa Vĩnh Phúc. Đây sẽ là một trong những hướng đi giúp người chăn nuôi giải quyết đầu ra cho sữa bò, góp phần nâng tầm giá trị sữa bò và mở ra hướng đi bền vững cho người chăn nuôi.


Hiệu quả mô hình thu gom chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ ở Vĩnh Phúc

Tại các địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trước đây, chất thải không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn cộng đồng dân cư. Đáng mừng là hiện nay, một số cơ sở thu gom chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ đã hình thành, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại địa phương này.


Vốn rẻ tiếp sức nông nghiệp, nông thôn

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều chính sách quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ban hành thời gian qua, đặc biệt là chính sách về tín dụng. Nhờ đó, dòng vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn được khơi thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện đời sống người dân, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn mới…


Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản địa phương ở Vĩnh Phúc

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 61 sản phẩm được chứng nhận Chương trình "Mỗi xã Một sản phẩm" (OCOP) đạt hạng 3 sao; trong đó, 17 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.


Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là đòn bẩy, tạo động lực mới cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có những bước phát triển đột phá, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.



Đề xuất