Vĩnh Phúc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống

Vĩnh Phúc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống

Nhận thấy các ngành nghề ở nông thôn đang phát triển không ngừng, giải quyết được nhiều lao động nông nhàn có việc làm khá ổn định, đặc biệt giúp người dân thực hiện tốt phương châm "Ly nông bất ly hương", tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong trong tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực.

Vĩnh Phúc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống ảnh 1Nghề mây tre đan ở Triệu Xá, huyện Lập Thạch đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vào dịp nông nhàn. Ảnh: thuonghieuvaphapluat.vn

Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm…Từ đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, các làng nghề phát triển, tạo công ăn việc làm ở các địa phương.

Thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 34,6 tỷ đồng từ kinh phí của chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng nghìn học viên. Các nghề được tập trung đào tạo là may công nghiệp, đan lát...Riêng trong 3 năm từ 2016-2018, Vĩnh Phúc đã thực hiện các chương trình hỗ trợ cho 78 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Qua đó, thu hút trên 30 tỷ đồng đầu tư từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, từng bước có vị trí trên thị trường. Nguồn vốn khuyến công đã một phần giúp cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn giải quyết những khó khăn nhất định về kinh phí, khích lệ động viên các nguồn lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, các tổ chức tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nội dung chương trình hỗ trợ, điển hình là chương trình Hỗ trợ “ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất găng tay dệt ” theo chương trình khuyến công quốc gia năm 2020 do Công ty cổ phần Dệt Đại An Phú thực hiện mô hình với tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.128 triệu đồng; trong đó, kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ là 295 triệu đồng.

Công ty đã đầu tư mới 100% các máy móc thiết bị, từ đó giúp Công ty tạo ra sản phẩm mới, nâng cao được tính chủ động trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và dự kiến xuất khẩu trong tương lai.

Cùng với đó tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất gỗ ván sàn tư nhiên tại Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Hoàng Hà (huyện Bình Xuyên); thực hiện đề án: “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị sản xuất ống nhựa” tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Khánh Hà (huyện Vĩnh Tường); đề án: “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung” tại Công ty TNHH Một thành viên Nguyên Phúc (Huyện Sông Lô)… Hầu hết các cơ sở được hỗ trợ máy móc thiết bị đều có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất là năng suất, chất lượng sản phẩm cải thiện hơn, khắc phục ô nhiễm môi trường, giải phóng sức lao động…

Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) cho biết, doanh nghiệp luôn trăn trở tìm hướng đi mới để tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm và cơ hội từ năm 2018.

Lúc đó, được sự hỗ trợ, tư vấn từ Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng mua sắm máy móc hiện đại phục vụ chế biến, sản xuất nhằm cho ra đời các dòng sản phẩm mới có chất lượng với giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Công ty tập trung vào sản xuất dòng sản phẩm mới có sự kết hợp giữa mật ong với hoa quả là dự án mang bước phát triển đột phá và đi đầu trong công nghệ chế biến từ mật ong của công ty. Hiện, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo có hàng chục trại ong cùng hệ thống nhà xưởng sản xuất, chế biến hoàn chỉnh, doanh nghiệp đã kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005 tạo uy tín và xây dựng thương hiệu Ong Tam Đảo với đông đảo khách hàng.

Nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, thu hút được hàng trăm cơ sở sản xuất. Điển hình như: cụm làng nghề rèn lý nhân huyện Vĩnh Tường đã thu hút 26 hộ sản xuất; cụm tiểu thủ công nghiệp ở xã Tề Lỗ, thị trấn Yên Lạc bước đầu đã đưa được trên 300 hộ vào cụm, giải quyết tình trạng ô nhiễm tại khu dân cư…

Vĩnh Phúc hiện đang duy trì và phát triển 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Thời gian tới, nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại hoặc sản xuất theo chuỗi tiện ích, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện việc xây dựng thương hiệu, khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng đó, đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất...để nâng cao năng lực sản xuất- kinh doanh cho các ngành nghề nông thôn...

Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chương trình khuyến công, giúp các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Chương trình cũng tập trung vào hỗ trợ về tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, hội nghị; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Tổng chi phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 là hơn 38,1 tỷ đồng...

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm