Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho lao động nông thôn

Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho lao động nông thôn
Sinh viên, đoàn viên thanh niên Vĩnh Phúc được tư vấn về cơ hội việc làm. Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN
Sinh viên, đoàn viên thanh niên Vĩnh Phúc được tư vấn về cơ hội việc làm.
Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN

Năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 570 lao động nhóm nghề nông nghiệp, 576 lao động nghề phi nông nghiệp; trong đó lao động nữ chiếm  ít nhất 40% chỉ tiêu. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở địa phương; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp. Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo, đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được chương trình đào tạo các nghề. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề các cấp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển đào tạo nghề cho lao động…

Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài... Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 2.000 lao động xuất khẩu làm việc tại các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; tham gia vào các lĩnh vực sản xuất như cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử; may mặc, nông nghiệp…

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có 49 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 5 trường cao đẳng nghề; 2 trường trung cấp nghề; 9 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề, 27 trung tâm dạy nghề và 6 cơ sở khác có chức năng đào tạo dạy nghề. Số lao động có việc làm sau đào tạo hàng năm đạt hơn 80%, trong đó hệ đào tạo cao đẳng nghề đạt hơn 95%. Hàng nghìn lao động được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kiến thức.
Nguyễn Thị Thảo

Có thể bạn quan tâm