Vĩnh Phúc: Cần khai thác hiệu quả tiềm năng làng nghề để phát triển du lịch

Vĩnh Phúc: Cần khai thác hiệu quả tiềm năng làng nghề để phát triển du lịch
Sản phẩm làng gốm Hương Canh. Ảnh: dulichvietnam.com.vn
Sản phẩm làng gốm Hương Canh. Ảnh: dulichvietnam.com.vn

Với hơn 60 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, Vĩnh Phúc có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa tổng hợp, đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tìm hướng đi, lượng khách du lịch đến với các làng nghề truyền thống vẫn chỉ... đếm trên đầu ngón tay. 

Vĩnh Phúc là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: chế biến gỗ gia dụng, mây tre đan, rèn, chế biến bông vải sợi, gốm mỹ nghệ, thêu... Trong số này, không ít làng nghề có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi các làng nghề vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, di tích lịch sử - văn hóa và sản xuất ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. 

Một số làng nghề ở Vĩnh Phúc như gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng, mây tre đan Triệu Đề… những năm gần đây đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ thủ công mỹ nghệ, nhưng việc sản xuất tại chỗ phục vụ cho khách du lịch lại không được lưu tâm. Hiện nay, sản phẩm của các làng nghề đa phần còn đơn điệu, không phù hợp với nhu cầu thị trường, người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất chủ yếu rập khuôn theo mẫu mã truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch. 

Làng mộc Thanh Lãng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên là một trong những làng nghề lâu năm, số hộ làm nghề chiếm đến gần 80% dân số toàn xã, sản phẩm từ nghề mộc khá phong phú, mẫu mã bắt mắt, được khách hàng ưa chuộng. Làng mộc Thanh Lãng được quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù đã được quy hoạch xây dựng cụm sản xuất làng nghề tập trung nhưng hiện nay làng nghề mộc Thanh Lãng hoạt động còn manh mún, chủ yếu theo phương thức hộ gia đình, không có hệ thống khu trưng bày sản phẩm. Vì vậy, trong những quy hoạch trước đây hay trong chương trình khảo sát mới đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc việc tổ chức tour du lịch đến với làng nghề này chưa thể thực hiện. 

Ông Kim Văn Giang - Trưởng làng nghề mộc Thanh Lãng cho biết: “Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm, có quy hoạch để sớm đưa làng nghề phát triển theo hướng hội nhập, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Nếu làm được sản phẩm mỹ nghệ, thu hút khách du lịch thì giá thành sản phẩm sẽ cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm bình thường. Nhưng đến nay, vẫn chưa có một đơn vị kinh doanh du lịch nào liên hệ với làng nghề để giới thiệu, quảng bá làng nghề truyền thống đến du khách.” 

Nghề mộc xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên. Ảnh: Nguồn vinhphuctv.vn
Nghề mộc xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên. Ảnh: Nguồn vinhphuctv.vn

Tương tự, làng gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên có lịch sử hơn 300 năm làm nghề, là một trong những thương hiệu gốm nức tiếng khắp các tỉnh miền Bắc. Gốm Hương Canh là một trong 3 làng nghề  được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào khai thác phát triển du lịch và được huyện Bình Xuyên quy hoạch  để xây dựng cụm làng nghề. Tuy nhiên, hiện ở làng gốm Hương Canh chỉ còn ba hộ làm nghề. Một vài doanh nghiệp lữ hành khai thác du lịch tại đây nhưng do quy mô xưởng sản xuất nhỏ hẹp, theo hộ gia đình, không gian tạo tác, trưng bày, bán sản phẩm riêng chưa có nên du khách không mấy hào hứng. Sản phẩm của làng gốm Hương Canh mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm chum, vại, tiểu sành mà chưa chú trọng đến những sản phẩm lưu niệm. 

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các làng nghề khôi phục và phát triển. Điển hình như Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành “Làng nghề chăn nuôi rắn – du lịch – dịch vụ” đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng; Dự án xây dựng cụm làng nghề Thanh Lãng với diện tích 8,2 ha, khi đi vào hoạt động sẽ có 300 hộ sản xuât quy mô lớn trong các làng được ra tập trung sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương... Thế nhưng, sau thời gian dài được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án này vẫn chưa thể xây dựng và các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, phát triển theo kiểu tự phát là chính. 

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Các làng nghề truyền thống của Vĩnh Phúc hiện vẫn đang thiếu nhiều yếu tố để có thể thu hút được du khách như: Hạ tầng cơ sở, bãi đỗ xe, nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm, hướng dẫn viên, cơ sở sản xuất cho khách tham quan và trải nghiệm. Ở nhiều nơi, các làng nghề chưa có biển  giới thiệu vị trí, tên, lịch sử của mình đặt tại các trục giao thông. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng vào sự phát triển của du lịch chưa cao, bời họ còn chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. 

Theo ông  Đỗ Hoàng DươngDương, một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch ít nhất chiếm 25% thu nhập của làng nghề, nhưng hiện nay chưa có làng nghề nào của Vĩnh Phúc làm được như vậy. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức gây ảnh hưởng không tốt tới việc tạo thương hiệu, điểm đến cho khách du lịch. 

Cũng theo ông Đỗ Hoàng Dương, các làng nghề muốn gắn với du lịch để phát triển cần chủ động hơn trong giới thiệu, liên kết với các đơn vị lữ hành hoạt động du lịch; đồng thời cần có các sản phẩm nổi bật của làng nghề, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử làng nghề, sản phẩm tiêu biểu, có địa điểm để khách trải nghiệm kỹ thuật nghề, xem các nghệ nhân trình diễn...; có nghệ nhân am hiểu làng nghề, phong tục và văn hóa làng để giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại làng nghề vào quá trình hoạt động du lịch, đặc biệt là tăng cường quảng bá hình ảnh con người và làng nghề Vĩnh Phúc đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Thị Thảo 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm