Vĩnh Long nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ hướng tới xuất khẩu

Gốm đất nung đỏ ở Vĩnh Long. Ảnh: thegioidisan.vn
Gốm đất nung đỏ ở Vĩnh Long. Ảnh: thegioidisan.vn

Gốm đất nung (gốm đỏ) là một trong những mặt hàng thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long, có khả năng sản xuất 5 triệu sản phẩm các loại mỗi năm. Giá trị ngành gốm tạo ra hàng năm trên 500 tỷ đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương.

Vĩnh Long nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ hướng tới xuất khẩu ảnh 1Gốm đất nung đỏ ở Vĩnh Long. Ảnh: thegioidisan.vn

Để nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ, tỉnh Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển ngành nghề này, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn các làng nghề gốm trên địa bàn.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung hỗ trợ nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất, quản lý thông qua các lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng website, tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, chú trọng xuất khẩu trực tiếp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Song song đó, tỉnh khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, giảm chi phí và nâng sức cạnh tranh trên thị trường, hướng vào thị trường xuất khẩu.

Vĩnh Long nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ hướng tới xuất khẩu ảnh 2Gốm được tập kết vào kho sau khi ra lò. Ảnh: DTMN

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 24 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm với 107 miệng lò. Sản phẩm gốm đỏ chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc… thông qua các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Gần đây, các doanh nghiệp gốm cũng đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm gốm trang trí nội và ngoại thất như cột, tường rào, phù điêu, mặt bàn... nhắm vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm của tỉnh Vĩnh Long có quy mô nhỏ và vừa, cách thức quản lý doanh nghiệp theo cách thức gia đình, chưa có tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả. Công nghệ sản xuất gốm nhìn chung còn lạc hậu, chưa ứng dụng nhiều máy móc thiết bị tiên tiến vào các khâu sản xuất; mẫu mã, chủng loại sản phẩm ít đa dạng và đơn điệu.

Hoạt động marketing, nghiệp vụ xuất khẩu, kinh nghiệm về thương mại quốc tế, trình độ ngoại ngữ của doanh nghiệp còn hạn chế nên hầu hết doanh nghiệp chưa mạnh dạn xuất khẩu trực tiếp mà chủ yếu làm hàng gia công. Do vậy, doanh nghiệp không chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư lâu dài nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.

Mặt khác, ngành gốm hiện đang thiếu lao động có tay nghề do có sự chuyển dịch lao động sang các ngành nghề khác, một số lao động do thu nhập không ổn định nên không còn gắn bó với nghề. Do đó, khi có đơn hàng lớn, các doanh nghiệp, cơ sở lại thiếu lao động sản xuất.

Phạm Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm