Vĩnh Long nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào Khmer (Bài 2)

Vĩnh Long nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào Khmer (Bài 2)

Những năm qua, công tác phát triển giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Với những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố hóa, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer… đã góp phần tạo động lực cho giáo dục nơi đây phát triển. Những gia đình Khmer dù còn khó khăn về kinh tế nhưng ngày càng quan tâm đến việc học của con. Nhờ vậy, học sinh Khmer được tạo điều kiện để học tập, từ đó trở thành nguồn nhân lực có chất lượng tiếp tục quay về phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết phản ánh về những nỗ lực trong đầu tư, chăm lo việc học cho học sinh đồng bào Khmer. Đồng thời, phản ánh hành trình gian nan đi tìm con chữ của những gia đình Khmer còn nghèo khó với mong ước đem đến tri thức, tương lai để thế hệ mai sau tiến bộ và đóng góp nhiều hơn vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của tỉnh Vĩnh Long.

Bài 2: Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó

Những chính sách được triển khai đồng bộ và hiệu quả đã tạo động lực từng bước thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long trong việc cho con cắp sách đến trường, học tập để kiến tạo tương lai. Nhờ đó đã góp phần giảm tình trạng bỏ học của học sinh Khmer, số học sinh khá, giỏi ngày càng nhiều. Điều phấn khởi là đã có nhiều gia đình đồng bào Khmer có đến 3-5 con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, tiếp tục quay trở về đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vĩnh Long nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào Khmer (Bài 2) ảnh 1Việc dạy và học tiếng dân tộc đã góp phần gìn giữ nét văn hóa cho các em học sinh. Ảnh: baovinhlong.com.vn


Tấm gương hiếu học nơi vùng đất khó


Niềm phấn khởi được quan tâm, chăm lo đã tạo động lực để những học sinh Khmer từng ngày vươn lên trong học tập. Khó khăn dần phải nhường chỗ cho sự học, nhờ đó mà nhiều học sinh Khmer học giỏi, thành tài.

Chứng kiến cảnh mẹ phải một mình tảo tần sớm hôm nuôi ba người con, anh Bạch Thanh Sang (44 tuổi, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) đã tự ý thức phải nỗ lực học tập, để có thể có cuộc sống tốt hơn. Nhờ những chính sách hỗ trợ đối với đồng bào Khmer nên anh được đến trường suốt 12 năm phổ thông. Tốt nghiệp phổ thông, anh Sang chọn học chuyên ngành Sư phạm Pháp văn của Trường Đại học Cần Thơ. Năm 2012, khi đã ra trường, vừa công tác tại Trường Trung học Cơ sở Thị trấn Trà Ôn, anh vừa học thêm tấm bằng đại học chuyên ngành Tôn giáo học để có thể có cơ hội việc làm phù hợp hơn. Năm 2014, anh hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học của Học viện Chính trị khu vực IV – Cần Thơ. Đến năm 2020, anh Sang hoàn thành chương trình học và nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Anh là một trong hai Tiến sĩ người Khmer của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Anh Bạch Thanh Sang chia sẻ: “Những năm phổ thông phải xa nhà lên học tại Trường Trung học Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh, thương mẹ vất vả thức khuya dậy sớm mua bán nên đêm nào mình cũng tìm cách vượt mấy chục km về nhà để phụ giúp mẹ. Đến rạng sáng lại quá giang xe trở về trường học tập cùng bạn bè. Rồi đến khi học đại học, khi đi làm và học tiếp bằng Tiến sĩ, mọi thứ gần như đều từ sự nỗ lực của bản thân, từ việc tích lũy kiến thức cho đến kinh phí để học tập”.

Vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhiều phụ huynh người Khmer đã đồng hành, chăm lo việc học cho các con. Đến thăm xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, được nghe câu chuyện về quá trình nuôi 5 người con ăn học thành tài của thầy giáo Thạch Som Nang (64 tuổi) ai cũng không khỏi sự nể phục. Ông Thạch Som Nang chia sẻ, cách nay 20 năm khi hai con nhỏ nhất (sinh đôi) vừa vào lớp 2 thì vợ ông mắc bệnh nan y rồi qua đời. Kể từ ngày vợ mất, ông cũng không đi dạy nữa mà ở nhà vừa lo ruộng vườn, vừa lo cho 5 con được đến trường như bạn bè. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn khuyến khích, chăm lo cho con học tập, không để các con bỏ học giữa đường.

Ông Thạch Som Nang tâm sự: "Lúc đó gia đình khó khăn lắm, một mình làm việc từ sớm khuya đến lúc trời tối, chỉ mong sao có thu nhập kha khá lo đủ cho 5 đứa nhỏ”.

Giờ đây, hành trình nuôi con chữ cho các con của ông đã gặt được nhiều trái ngọt. Ông Thạch Som Nang phấn khởi kể, trong 5 người con thì 4 người đã tốt nghiệp đại học và 1 người tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó, hai người con gái đều chọn theo nghề cha mẹ là làm giáo viên, hiện đang công tác tại các trường trên địa bàn huyện Trà Ôn; người con trai giữa thì học cách làm nông nghiệp để đỡ gánh nặng cho cha; hai người con song sinh cũng đã tốt nghiệp đại học và tìm được công việc phù hợp với năng lực, sở thích.

Đồng hành cùng học sinh vượt khó

Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, gia đình, trong hành trình chinh phục tri thức của các học sinh Khmer còn có sự đóng góp, đồng hành của nhiều thầy giáo, cô giáo, những người luôn tâm huyết với nghề. Các thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, thôi thúc các em tự tin theo đuổi ước mơ của mình.

Gắn bó với những học trò Khmer ngay nơi mình sinh ra và lớn lên gần 36 năm qua, cô Thạch Thị Khel (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) dành hết tâm huyết để mang con chữ về cho trẻ em quê nhà. Cô Khel chia sẻ, những năm đầu đi dạy rất khó khăn vì thời đó người dân lo cuộc sống là chính, ít ai quan tâm đến việc học. Đi dạy nhưng hàng tuần cô và nhà trường cũng phải xuống tận xóm, ấp làm công tác vận động học sinh đến trường. Qua những lần đến nhà và tiếp xúc với học sinh khó khăn, cô sẵn lòng chia sẻ bằng cách tiết kiệm chi tiêu trong gia đình và dành dụm tiền để giúp đỡ các em. Số tiền không là bao nhiêu nhưng là nguồn động viên cho các em đến trường.

Vĩnh Long nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào Khmer (Bài 2) ảnh 2Cô Thạch Thị Khel dạy Ngữ văn Khmer cho các em học sinh. Ảnh: baovinhlong.com.vn

Hơn nửa đời người gắn bó với ngôi trường này, niềm vui lớn nhất của cô là chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Cô Khel phấn khởi nói: “Ở trường có đến 3 giáo viên trẻ là học trò của cô ngày xưa. Rất mừng vì các em lại quay trở về đóng góp cho quê hương, đem cái chữ đến cho con em đồng bào Khmer của mình”.

Với sự phát triển của giáo dục, người dân vùng đồng bào Khmer ngày càng ý thức hơn việc học của con mình. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa là những lý do khiến học sinh Khmer ngày nay phải dở dang chuyện học.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Côn Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết, dù đã được hưởng các chính sách đặc thù dành cho học sinh đồng bào vùng dân tộc nhưng hiện nay trên địa bàn xã vẫn có một số học sinh phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để khuyến khích học sinh học tập, địa phương quan tâm thực hiện chính sách miễn giảm học phí qua các năm. Điển hình như năm học vừa qua đã miễn 100% học phí cho học sinh bậc tiểu học và miễn, giảm học phí cho 251 học sinh trung học cơ sở. Ngoài ra, Hội Khuyến học xã đã vận động quần áo, tập vở, học bổng cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 110 triệu đồng. Sự hỗ trợ kịp thời đã thể hiện được sự quan tâm của chính quyền, nhà trường qua đó tạo động lực để các em học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách về giáo dục cho đồng bào Khmer như: hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chế độ hỗ trợ học tập cho các em thuộc diện khuyết tật học tập ở vùng dân tộc, hỗ trợ chế độ học tập cho học sinh dân tộc nội trú, chế độ ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số… Ngoài ra, mỗi dịp lễ, Tết, chính quyền các cấp, các đoàn thể đều quan tâm hỗ trợ rất nhiều phần quà và học bổng nhằm tiếp sức cho học sinh Khmer. Từ đó, các em có thêm nguồn động viên, tích cực hơn trong học tập để đạt được thành tích cao. (Còn tiếp)

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm