Viettel cam kết tốc độ 4G 'thực sự là 4G'

Viettel cam kết tốc độ 4G 'thực sự là 4G'
PV: Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giục các nhà mạng sớm triển khai cung cấp dịch vụ 4G cho người dân. Vậy, cho đến thời điểm này, mạng 4G đã được Viettel triển khai thế nào thưa ông?
 
Ông Tào Đức Thắng: Chúng tôi đặt mục tiêu, tại thời điểm khai trương, mạng 4G của Viettel sẽ có khoảng 36.000 trạm phát sóng. Việc này sẽ chỉ được làm trong 6 tháng để nhanh chóng cung cấp dịch vụ cho người dân, chuẩn bị hạ tầng đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sau 4 tháng triển khai, Viettel đã xây dựng và phát sóng gần 70% kế hoạch mục tiêu. Như vậy, chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, mạng 4G của Viettel đã có mặt rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99% huyện của Việt Nam. Đến tháng 4/2017, chúng tôi chắc chắn triển khai xong 36.000 trạm 4G và sẵn sàng kinh doanh.
 
Điểm đặc biệt nhất trong chiến dịch triển khai trạm 4G lần này là chỉ trong 6 tháng, Viettel đã xây dựng được hạ tầng 4G lớn hơn cả hạ tầng 3G đã làm trong suốt 8 năm. Viettel sẽ phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam, ở nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng sẽ có sóng 4G.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel. Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel. Ảnh: Chinhphu.vn

 PV: Với quy mô như vậy trong thời gian ngắn thì cách thức thực hiện như thế nào, vì đến thời điểm này nhiều người vẫn chưa tin Viettel đã triển khai hạ tầng đến 99% số quận, huyện?
 
Ông Tào Đức Thắng: Để có thể triển khai trong một thời gian ngắn với số lượng trạm phát sóng lớn như vậy, trước hết phải nói đến tầm nhìn của lãnh đạo Tập đoàn. Đây không chỉ là hạ tầng để dành cho hoạt động kinh doanh, mà chúng tôi hiểu rằng, đây là hạ tầng giúp phổ cập truy cập internet băng rộng của quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không phải là cuộc cách mạng về công nghệ, mà đó là cuộc cách mạng của những ứng dụng. Viettel xây dựng hạ tầng mạng 4G rộng khắp để giúp 90 triệu người dân Việt Nam, ai cũng có thể nhìn thấy cơ hội ấy. Chính vì tầm nhìn như vậy mà các kế hoạch đầu tư, mua sắm đều được thực hiện với số lượng lớn, cả bộ máy cùng ăn ngủ với dự án 4G. Thậm chí, chúng tôi còn đặt mình trong tình trạng khẩn cấp. Mọi ưu tiên đều được dành cho dự án 4G.
 
Ngoài ra, để có thể triển khai được nhanh như vậy, cũng cần phải nói đến sự chuẩn bị từ trước đó rất lâu về hạ tầng. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp có hạ tầng cáp quang lớn nhất Việt Nam, tổng chiều dài cáp quang của Viettel riêng tại thị trường Việt Nam đã đủ để quấn hơn 8 vòng quanh Trái đất, cáp quang đã về tới tận xã. Đó chính là nền tảng hạ tầng để chúng tôi triển khai 4G.
 
Chúng tôi cũng đã và đang có kinh nghiệm triển khai 4G ở nhiều thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Burundi, Haiti, Peru, Timor Leste… do đó việc triển khai gần 36.000 trạm 4G trong vòng 6 tháng đúng là một kỳ tích, nhưng là dựa trên một tầm nhìn dài hạn, một sự tính toán cẩn thận, một sự quyết tâm của cả hệ thống và đội ngũ tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, thành tích này cũng không phải không có cơ sở.
 
PV: Viettel sẽ triển khai như thế nào để bảo đảm chất lượng 4G phải là 4G chứ không phải 3G+?
 
Ông Tào Đức Thắng: Hiện nay, Bộ TT&TT đang cấp phép cho các mạng di động triển khai 4G trên băng tần 1800 MHz. Để có được dịch vụ 4G thực sự là 4G, bắt buộc các mạng di động phải bảo đảm các yếu tố “rộng, sâu và dung lượng lớn” để bảo đảm tốc độ cho khách hàng - đây cũng là lý do Viettel đầu tư rất nhiều trạm phát sóng mới. Nếu quá ít trạm phát sóng 4G và vùng phủ không sâu thì tốc độ 4G có thể sẽ chỉ như 3G+. Thế nhưng, với 36.000 trạm phát sóng 4G được kết nối bằng cáp quang, cùng chiến lược đầu tư và triển khai “làm đến đâu, tốt đến đó” chúng tôi tự tin khẳng định rằng 4G của Viettel sẽ thực sự là 4G chứ không phải 3G+. Với thực tế triển khai 4G hiện nay thì tốc độ mạng 4G đang gấp khoảng 6-10 lần so với 3G.
 
Ở khía cạnh kỹ thuật, với băng tần 1.800 MHz hiện nay là đã cơ bản bảo đảm triển khai 4G. Tuy nhiên, khi người dùng 4G nhiều lên, tốc độ đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng đã tính toán để dung lượng đáp ứng được khi người dùng tăng lên, nhưng đồng thời vẫn đề nghị Bộ TT&TT xem xét cấp thêm băng tần 2.6 GHz cho các mạng để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ tốt nhất.
 
PV: Với 36.000 trạm phát sóng thì quy mô mạng 4G của Viettel so với các nhà mạng khác trong khu vực và thế giới như thế nào thưa ông?
 
Ông Tào Đức Thắng: Phải khẳng định là chưa một nhà mạng nào từ Vodafone, Singtel, Verizon, EE… lại đầu tư một mạng 4G phủ rộng và sâu như Viettel đang làm ngay từ đầu. Thông thường, các mạng di động sẽ triển khai 4G cho vùng thành thị, đầu tư dần dần ra nông thôn. Thế nhưng, Viettel với tầm nhìn của mình, không muốn Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó đã quyết tâm đầu tư ở quy mô lớn, với vùng phủ sâu rộng để bảo đảm sóng tốt, chất lượng tốt.
 
Với 4G, Viettel quyết tâm chinh phục khát vọng lớn lao xác lập thứ hạng về viễn thông của Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới cũng như đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng viễn thông-băng rộng.
 
Cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm