Việt Nam và Na Uy chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản công nghiệp và chế biến phụ phẩm

Việt Nam và Na Uy chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản công nghiệp và chế biến phụ phẩm
Ông Harald Naevdal, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, Na Uy là quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới với các sản phẩm nổi bật là cá hồi và cá cháo. Na Uy đã xây dựng hệ thống quản lý, áp dụng các công nghệ tiên tiến như dò tìm đàn cá, để có thể phát triển ngành thủy sản bền vững. Cùng với đó, Na Uy chú trọng chiến lược thị trường nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm thủy sản. Là quốc gia có nhiều kinh nghiệm, các công ty Na Uy sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam để cùng phát triển ngành ngư nghiệp tại đây.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản Việt Nam trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản Việt Nam trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam luôn nằm trong Top đầu thế giới về nuôi trồng thủy sản. Năm 2016, diện tích nuôi trồng đạt khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng 3,65 triệu tấn; trong đó, nổi bật với các sản phẩm về tôm, cá tra. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
 
Dù vậy, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng để phát triển ngành này như chưa khai thác hết các hồ nước ngọt, các vùng nuôi trồng ven biển… Việc trao đổi kinh nghiệm, thông tin công nghệ với đối tác Na Uy là cơ hội tốt để phía Việt Nam thúc đẩy phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.
Chuyên gia Na Uy chia sẻ kinh nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Chuyên gia Na Uy chia sẻ kinh nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp của Na Uy đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu các sản phẩm và công nghệ có thể giúp Việt Nam trong việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững, tập trung vào việc nâng cao chất lượng thủy sản, sức khoẻ cá, xử lý nước và truy xuất nguồn gốc...
 
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản ven biển, bà Else Marie Stenvik Djupevag (Tổng cục Thủy sản Na Uy) cho biết, dựa trên các nghiên cứu, Na Uy chia thành các vùng sản xuất, nuôi trồng khác nhau theo từng đặc điểm và các đánh giá về tác động môi trường từng khu vực. Điều này giúp tăng cường khả năng phân loại hồ sơ đánh giá từng khu vực (2 năm đánh giá lại một lần), hạn chế các rủi ro có thể ảnh hưởng tới phát triển ngành.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Trong khi đó, ông Oyvind Fylling-Jensen, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu thực phẩm, khai thác và nuôi trồng thủy sản Na Uy nhấn mạnh, bên cạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ máy móc, chúng ta cần ứng dụng công nghệ sinh học như nghiên cứu nhân giống và di truyền học, nguồn thức ăn và dinh dưỡng, chế phẩm sinh học... Điều này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong chuỗi nuôi trồng và chế biến thủy sản./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm