Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho người tình nguyện

Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho người tình nguyện

Sáng 17/12, Học viện Quân y chính thức tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho ba tình nguyện viên. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người.

Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho người tình nguyện ảnh 1Ông Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen cho biết, dự kiến giá vaccine Nanocovax là 120.000 đồng/liều (bao gồm chi phí sản xuất và thực nghiệm lâm sàng), mỗi người cần tiêm hai liều. Công ty Nanogen dự kiến sản xuất 50-70 triệu liều Nanocovax mỗi năm, trước mắt đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, đã có gần 300 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm. Sau đó, các tình nguyện viên được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang… Ba người đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 được chọn trong số 60 tình nguyện viên tuổi từ 18-50 tham gia thử nghiệm trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ có 60 tình nguyện viên được chọn, chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Riêng trong sáng 17/12, ba tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử liều 25 mcg. Ba người đầu tiên tiêm thử vaccine gồm 1 nam và 2 nữ trong độ tuổi từ 20-25.

Trong thử nghiệm lâm sàng, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, tình nguyện viên được tiêm ở liều tối thiểu để đảm bảo an toàn, kiểm soát sớm nếu có những tai biến không mong muốn. Trong tuần qua, phía Học viện Quân y đã tổ chức diễn tập tiêm giả định trên người và trên mô hình; đồng thời chuẩn bị rất kỹ công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, thành lập tổ tư vấn gồm 8 người, tổ miễn dịch 8 người, tổ bảo quản và xét nghiệm mẫu 6 người, tổ giám sát sau tiêm chủng 16 người, tổ cấp cứu 5 người.

Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho người tình nguyện ảnh 2Mũi tiêm vaccine Nanocovax ngừa COVID-19 đầu tiên trên người tình nguyện tại Việt Nam. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Mỗi tình nguyện viên được theo dõi trong 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Để chuẩn bị buổi tiêm thử nghiệm đầu tiên và các giai đoạn thử nghiệm sau đó, Học viện Quân y đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học, kết nối với các bệnh viện xung quanh. Sau đó, tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày.

"Trên thế giới, tỷ lệ vaccine có biến cố không mong muốn không nhiều, chúng tôi hy vọng vaccine Nano Covax cũng vậy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cao nhất cho tình nguyện viên, chúng tôi phải chuẩn bị tốt nhất, kể cả tình huống nguy hiểm đến tính mạng", Giáo sư Quyết nhấn mạnh.

Sau khi tiêm, ba tình nguyện viên được theo dõi trong phòng riêng tại Học viện Quân y trong 72 giờ đầu. Phòng được trang bị hệ thống vệ sinh, nhà ăn tại chỗ, giải trí tại chỗ.

Nếu việc tiêm thử ba ngày đầu diễn ra thuận lợi, 57 tình nguyện viên còn lại sẽ tiếp tục được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sau khi tiêm, toàn bộ nhóm tình nguyện viên sẽ được chia thành hai phòng nam, nữ riêng để nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe. Sau 72 giờ, tình nguyện viên sẽ được về theo dõi tại nhà. Học viện Quân y sẽ phối hợp với y tế xã, phường theo dõi sức khoẻ cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của nghiên cứu; nhắc nhở, tư vấn tình nguyện viên có lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine lần này cũng đã được mua bảo hiểm sức khoẻ.

Giáo sư Đỗ Quyết khẳng định cuộc thử nghiệm lần này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cam kết sau mỗi giai đoạn thử nghiệm sẽ có đánh giá rõ ràng, công tâm gửi lên Bộ Y tế.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm