Việt Nam quan tâm phát triển trẻ thơ toàn diện

Việt Nam quan tâm phát triển trẻ thơ toàn diện
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã cam kết: Chính phủ Việt Nam luôn cam kết thực hiện các điều ước Quốc tế đã phê chuẩn và nỗ lực đảm bảo việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Cũng tại hội thảo, ông Diệp nhấn mạnh, phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) đóng vai trò quan trọng và đặt nền tảng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ em, tạo nên những tiền đề cần thiết đảm bảo cho việc hòa nhập xã hội cũng như công bằng xã hội, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Toàn cảnh Hội thảo với hơn 200 đại biểu tham vần đề án quốc gia phát triển trẻ thơ toàn diện. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Toàn cảnh Hội thảo với hơn 200 đại biểu tham vần đề án quốc gia phát triển trẻ thơ toàn diện. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trên đã đưa ra cách tiếp cận toàn diện về chính sách và các chương trình hướng tới trẻ em từ khi trong bụng mẹ đến 8 tuổi, cha mẹ và người chăm sóc các em. Đề án nhấn mạnh các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước sạch vệ sinh môi trường cũng như tầm quan trọng của các dịch vụ này đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đề án cũng đưa ra cách tiếp cận lồng ghép các dịch vụ cho trẻ em. Cách tiếp cận này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát huy lợi thế, điểm mạnh của từng ngành, đảm bảo sự linh hoạt và tạo điều kiện đáp ứng toàn diện cho trẻ em và gia đình. Đề án cũng giúp các gia đình và trẻ được tiếp cận với các dịch vụ một cách đồng bộ hơn.

Đề án do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y Tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Đề án dự kiến sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 năm 2017.

Ông Youssouf Abdel Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quyết định đúng đắn khi cam kết xây dựng một chính sách mang tầm quốc gia về Phát triển Trẻ thơ Toàn diện, kết nối các ban ngành  có vai trò chủ chốt trong sự sống còn và phát triển của trẻ em. Nếu không có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ thì chúng ta phải trả một giá đắt cho chất lượng học tập không tốt, thu nhập thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội, và tất cả những điều này ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế xã hội.
 
Ông Youssoul Abdel Jelil, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em. Ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)
Ông Youssoul Abdel Jelil, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em. Ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)

Bên cạnh Luật Trẻ em năm 2016, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều điều luật, chính sách và kế hoạch khác liên quan tới PTTTTD ví dụ như: Luật Bảo hiểm Y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Luật Giáo dục công nhận giáo dục mầm non là một phần của hệ thống giáo dục Quốc gia, Luật Lao động quy định thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng dành cho nữ giới và nhiều các văn bản liên quan đến cải cách phúc lợi xã hội hướng tới một hệ thống xã hội đổi mới, hòa nhập và đảm bảo quyền lợi người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc hỗ trợ phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ em trai và trẻ em gái ở Việt Nam, đặc biệt ở nhóm trẻ từ 0 đến 4 tuổi. Gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi. Khoảng 72% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 9.4% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính thống. Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi  và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện cho Quốc hội, Văn phòng Chính phủ các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, các trường đại học, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức phát triển và đại diện các sở, ngành từ 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các đại biểu đã tham gia tích cực và đưa ra các ý kiến đóng góp hữu ích nhằm hoàn thiện nội dung Đề án, đảm bảo sự phối hợp đồng nhất giữa các bộ ngành liên quan nhằm thực hiện tốt quyền trẻ em.
                                                                                                     Ngọc Dung

Có thể bạn quan tâm